Thành phố Hồ Chí Minh cấp bách phòng ngừa dịch sởi bùng phát
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố công bố dịch sởi, trong bối cảnh năm học mới đang cận kề, các giải pháp phòng ngừa bệnh sởi bùng phát là rất cấp bách.
Những ngày qua, số ca bệnh sởi nhập viện tại các cơ sở y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng gia tăng khiến nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất lớn.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố công bố dịch sởi, trong bối cảnh năm học mới đang cận kề, các giải pháp phòng ngừa bệnh sởi bùng phát là rất cấp bách.
Ca mắc gia tăng, nhiều trường hợp biến chứng nặng
Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, cho biết hơn một tháng qua, số bệnh nhi mắc sởi nhập viện liên tục tăng cao. Cao điểm có ngày đơn vị điều trị 50 ca bệnh cùng lúc. Khoa Nhiễm-Thần kinh đang điều trị cho 39 trẻ mắc sởi, trong đó có 8 trường hợp mắc bệnh nặng phải hỗ trợ hô hấp, thở ôxy. Những trẻ mắc sởi nặng chủ yếu có sẵn bệnh nền như suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý về máu, thận hư... Những ca này phải nằm viện điều trị kéo dài, gặp biến chứng bội nhiễm ở phổi, tiêm kháng sinh ít nhất 7-10 ngày. Phần lớn trẻ mắc bệnh là từ các tỉnh, thành phố khác chuyển tới, đều chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 14 ca mắc sởi, đa phần là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Hầu hết trẻ nhập viện trú tại các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, nhiều nhất là Bình Dương và Đồng Nai.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh sởi cả người lớn và trẻ em. Đơn vị này đang điều trị cho 18 ca sởi người lớn và 30 ca sởi trẻ em.
Theo các bác sỹ, hệ số lây lan của sởi là từ 12-18, nghĩa là một người bị bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người. Hệ số lây lan này cao hơn COVID-19 (COVID-19 có hệ số lây lan từ 2-5, tối đa một người lây cho 5 người).
Do đó, với những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi nguy cơ bị lây bệnh lên đến 90% nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi trước đó. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp cũng là nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian qua.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế ở Thành phố là 597 ca, trong đó có 346 ca dương tính với sởi (gồm 153 trẻ cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và 193 trẻ cư từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến).
Theo công bố của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/8, khu vực phía Nam ghi nhận gần 1.500 trường hợp phát ban nghi sởi. Trong số này, số ca được lấy mẫu chiếm 70%, tỷ lệ dương tính với sởi trên 60%. Các chuyên gia dự báo, tình hình diễn tiến của sởi ở các địa phương khu vực phía Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Đặc biệt, tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, đều mắc các bệnh lý mạn tính khác. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi. Trong số 3 trẻ tử vong, có 2 trẻ chưa từng tiêm vaccine sởi.
Cấp bách phòng, chống bệnh sởi bùng phát
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá ở khu vực phía Nam, các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao.
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối nên dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sởi ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đổ về sẽ tăng.
Mới đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đề nghị, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, bao gồm cả tiêm chủng. Đồng thời, cần chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đơn vị đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố, kiến nghị công bố dịch sởi, đồng thời triển khai kế hoạch ứng phó. Trong khi chờ Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, ngành Y tế chủ động triển khai ngay các giải pháp hạn chế sự bùng phát rộng của dịch.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Y tế giao Thanh tra Sở chủ động phát hiện các nhóm "anti vaccine," làm rõ, xử lý nghiêm việc tuyên truyền sai lệch về vaccine và thông tin dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước mắt, Thành phố triển khai các nhóm giải pháp cấp bách để ngăn ngừa bệnh sởi. Đầu tiên là khẩn trương thực hiện tiêm bù mũi vaccine cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine cho trẻ từ 1-5 tuổi, bao gồm cả trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vaccine.
Để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vaccine đạt hiệu quả, Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện rà soát lập danh sách tất cả trẻ từ 1-5 tuổi, chú ý trẻ tại mái ấm, cơ sở bảo trợ. Khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Các bệnh viện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được đơn vị quản lý và tư vấn tiêm chủng cho trẻ nếu đủ điều kiện.
Thành phố triển khai giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, đó là nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng; nhóm trẻ bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.
Để bảo vệ nhóm trẻ này, Sở Y tế yêu cầu, các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Đồng thời triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác...
Các Trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng. Các bệnh viện triển khai ngay giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm đã được biết đến từ rất sớm và được đưa vào lịch tiêm chủng của nhiều quốc gia trên thế giới sau khi có vaccine. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy..., thậm chí có thể gây tử vong.
Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh, gồm người lớn chưa được tiêm phòng trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm đủ hai mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vaccine, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.
Tại Việt Nam, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi. Bộ Y tế quy định tất cả trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định./.