Thành phố Hồ Chí Minh cần kiểm soát dịch sởi trong thời gian ngắn nhất
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch sởi; chỉ đạo sở, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất.
“Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp sớm kiểm soát dịch sởi, nhất là trong bối cảnh sắp bước vào năm học mới nhằm hạn chế dịch sởi bùng phát mạnh, giảm thiểu ca tử vong do sởi.” Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 29/8.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự sẵn sàng ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là công tác phối hợp đồng bộ từ ngành y tế, giáo dục và các quận, huyện.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, Thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch sởi nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung do vấn đề di biến động dân cư, dân số đông, đặc điểm nhiều nhà trọ và khu công nghiệp, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp.
Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch sởi; chỉ đạo sở, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi an toàn, hiệu quả; lưu ý việc xử trí phản ứng sau tiêm, quan tâm hơn tới những đối tượng ở nhà trọ và công nhân tại khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, giám sát và phát hiện sớm trường hợp sởi trong cộng đồng; quản lý hiệu quả ca sởi cách ly điều trị tại nhà; tăng cường truyền thông hướng dẫn người bệnh phòng ngừa nguy cơ lây lan sởi tại những nơi tập trung đông người.
Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các địa phương hạn chế chuyển tuyến trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch nhằm giảm tải, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có 432 ca bệnh sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
74% ca bệnh sởi được ghi nhận là trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, số ca bệnh là trẻ trên 5 tuổi đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, 71% trẻ mắc bệnh sởi chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng.
Nguyên nhân bệnh sởi gia tăng, theo lãnh đạo Sở Y tế, do tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng không đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ tiêm chủng mũi vaccine sởi 1 cho trẻ sinh năm 2023 chỉ đạt 90,8% trên quy mô toàn thành phố, một số quận/huyện còn có tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 85%.
Thành phố gặp khó khăn trong việc rà soát lịch sử tiêm chủng của trẻ khi lưu lượng di biến động dân cư quá lớn. Khảo sát ngẫu nhiên 180 trẻ tại một số phường, xã cho thấy, khoảng 18% trẻ có địa chỉ tỉnh/thành phố khác trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Vì thế, các trạm y tế không biết số trẻ này đang cư trú trên địa bàn để mời tiêm chủng.
Qua điều tra huyết thanh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ mẫu có kháng thể IgG luôn thấp dưới ngưỡng 95%. Kết quả điều tra kháng thể giải thích sự gia tăng số ca bệnh sởi trong thời gian qua trên địa bàn Thành phố cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh ở nhóm trẻ lớn tuổi.
Ngay khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trên địa bàn, Sở Y tế ngay lập tức triển khai biện pháp ứng phó; trong đó Thành phố sẽ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cho các đối tượng gồm: trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc chưa rõ lịch sử tiêm chủng, trẻ thuộc nhóm nguy cơ, nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ nguy cơ cao… Chiến dịch tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, khi số ca bệnh tăng cao, Thành phố đã kích hoạt kế hoạch ứng phó và triển khai đồng loạt đến các đơn vị, quận, huyện.
Thành phố chỉ đạo Sở Y tế quyết liệt triển khai biện pháp phòng, chống dịch, khẩn trương tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhi sởi; chủ động rà soát trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, có biện pháp bảo vệ; đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch.
Để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Bộ Y tế hỗ trợ giải quyết các khó khăn trong công tác phòng, chống dịch; trong đó, vấn đề liên thông dữ liệu y tế, dữ liệu Hệ thống tiêm chủng quốc gia hiện vẫn chưa được thông suốt.
Đồng thời, quan tâm cung ứng vaccine cho các địa phương khác nhằm giúp Thành phố giảm áp lực, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, tăng cơ hội dập dịch sởi./.