Thành lập thành phố Bến Cát, Bình Dương và Gò Công, Tiền Giang
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Chiều 19/3, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây; đồng thời đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa của 2 xã An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thị xã Bến Cát, việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương là cần thiết.
Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa của 4 xã gồm Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận và Long Hòa; 4 phường là phường 1, phường 2, phường 3 và phường 4; và thị xã Gò Công, việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đạt đủ các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thành Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Hồ sơ các Đề án bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Chính phủ khi xem xét Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp không sắp xếp đơn vị hành chính vì yếu tố đặc thù (nếu có), bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Các tỉnh quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định.
Cùng với đó, có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn./.