Thanh Hóa: 18.000 bộ đội, dân quân gặt lúa, khơi thông dòng chảy giúp nhân dân
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động gần 18 nghìn cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ tham gia chống bão, hỗ trợ nhân dân và các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động gần 18 nghìn cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ tham gia chống bão, hỗ trợ nhân dân và các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ sau khi bão đổ bộ.
Tại huyện Triệu Sơn, trong ngày 7/9, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã bố trí lực lượng, phối hợp với lực lượng của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức phát quang cây cối, khơi thông dòng chảy tuyến kênh tiêu xã Minh Sơn, góp phần tiêu thoát nước, tránh ngập úng cho các hộ dân sinh sống dọc 2 bên tuyến kênh.
Ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch Ủy ban NHân dân xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn cho biết, do đã chuẩn bị từ trước nên xã chưa có thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó, nhờ các đơn vị bộ đội giúp bà con thu hoạch lúa, chằng chống nhà cửa nên người dân yên tâm hơn.
Theo Trung tá Nguyễn Khắc Hùng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Triệu Sơn, lực lượng vũ trang địa phương kết hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Tư lệnh quân khu 4 khơi thông mương nước, chằng chống nhà cửa cho người dân; túc trực tại các địa bàn xung yếu.
Tại huyện Hậu Lộc, một số diện tích lúa hè thu của nhân dân xã Lộc Sơn đã đến kỳ thu hoạch nhưng do đường xá đi lại khó khăn, diện tích nhỏ lẻ nên việc thu hoạch bằng máy cơ giới gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ giúp nhân dân gặt lúa chạy bão. Đến trưa cùng ngày, toàn bộ diện tích lúa chín trên địa bàn xã đã được thu hoạch xong.
Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động 1.150 bộ đội thường trực và 16.500 dân quân tự vệ tham gia ứng phó với bão số 3.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có mặt tại các địa bàn xung yếu, phối hợp cùng các lực lượng khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông; tham gia giúp đỡ nhân dân thu hoạch hoa màu, di dời các hộ sinh sống tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; chằng chống nhà cửa; kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền vào vị trí tránh bão an toàn, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương.
Ngoài ra, các đơn vị quân đội cũng đã huy động trên 200 phương tiện gồm ô tô, tàu, xuồng, cùng hàng ngàn phao cứu sinh để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mưa bão.
Tỉnh đã ban hành 3 công điện chỉ đạo ứng phó đến các cấp, ngành. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan cấm biển trên địa bàn từ 12 giờ ngày 6/9 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão; giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển.
Các ngành, địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tính đến chiều 7/9, mưa bão đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ, 74 căn nhà ở các huyện miền núi bị tốc mái và hư hỏng, nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị thiệt hại.
Tại thành phố Thanh Hoá có 31 cây xanh bị đổ gãy, 1 cột điện bị đổ, 1 xe máy bị hư hỏng...
Đại diện cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại./.