Tháng Năm về nơi lưu dấu ấn thuở niên thiếu của Bác Hồ
Với 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại mảnh đất cố đô, những tên đất, tên làng, nơi ở, đồ dùng và những câu chuyện cảm động về Người đã trở thành những di sản vô giá.
Những ngày tháng Năm lịch sử, đông đảo du khách và người dân địa phương đã tìm đến tham quan, dâng hoa, dâng hương tại các điểm di tích mang đậm dấu ấn thuở niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mảnh đất Thừa Thiên-Huế.
Trong 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại mảnh đất cố đô, những tên đất, tên làng, nơi ở, đồ dùng và những câu chuyện cảm động về Người đã trở thành những di sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xứ Huế.
Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm
Làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế nằm bên dòng sông Phổ Lợi hiền hòa là nơi lưu nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sinh sống và học tập từ 1898-1900.
Trưởng ban nghi lễ làng Dương Nỗ Trần Đại Sấm chia sẻ, làng Dương Nỗ rất vinh dự khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đây sinh sống và học tập. Những di tích như đình làng Dương Nỗ, con sông Phổ Lợi, Am bà, Bến đá... in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người được các thế hệ cư dân của làng bảo vệ bằng tất cả niềm tự hào và trân trọng.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, người dân Dương Nỗ luôn nỗ lực vươn lên, xóa đói giảm nghèo, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Trong cái nắng rực rỡ của ngày hè tháng Năm, người dân làng Dương Nỗ cùng chung tay với chính quyền địa phương và các ban ngành khẩn trương vệ sinh đường làng ngõ xóm, trang trí cờ hoa, lồng đèn để chuẩn bị cho Ngày hội làng Dương Nỗ hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với chủ đề “Dương Nỗ-Hành trình Tháng Năm” Ngày hội làng Dương Nỗ diễn ra từ ngày 18-20/5. Ngày hội gồm các hoạt động văn hóa ý nghĩa như: chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội; lễ rước hoa sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Di sản Hồ Chí Minh và văn hóa làng Dương Nỗ ”; triển lãm mỹ thuật “Tranh dân gian Việt Nam.”
Ngoài ra còn có các hoạt động trải nghiệm làm hoa sen giấy, in tranh, viết thư pháp; trải nghiệm nghệ thuật Bài Chòi; ẩm thực truyền thống làng Dương Nỗ; trò chơi dân gian; liên hoan vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi làm theo lời Bác”; Chương trình ca Huế và Bolero; Hội đua trải truyền thống.Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế cho biết, đây là lần thứ hai Bảo tàng phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức Lễ hội làng Dương Nỗ nhằm giới thiệu đến khách tham quan giá trị tinh thần và vật chất của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế; xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, ngày hội sẽ tạo điểm nhấn thu hút các hoạt động phát triển du lịch; giới thiệu di sản đến với các công ty du lịch, lữ hành, khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Ước tính, trong tháng Năm có trên 10.000 khách du lịch và người dân đến tham quan các di tích tại làng Dương Nỗ. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Dương Võ Quốc Hiền cho biết, địa phương rất vinh dự là nơi có nhiều di tích gắn với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ và đình làng Dương Nỗ.
Địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; triển khai xây dựng tuyến đường kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp nối các điểm di tích; kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp du lịch đầu tư hình thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn khách tham quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lưu niệm về Người.
Phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, em Huỳnh Giàu (học sinh lớp 11C1) cùng các bạn học sinh trường Trung học phổ thông Đặng Trần Côn, thành phố Huế đã được tìm hiểu về thân thế của Bác Hồ kính yêu và khoảng thời gian Người đã từng sinh sống ở làng quê bình yên này.
Huỳnh Giàu xúc động chia sẻ, được lắng nghe những câu chuyện cảm động và tận mắt chứng kiến những di vật gắn với tuổi thơ của Bác Hồ đã giúp em hiểu rõ hơn về cuộc sống của người cũng như quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Người. Là thế hệ trẻ, em luôn nỗ lực rèn luyện tri thức, học tập và làm theo tấm gương của Bác từ những điều nhỏ nhất giúp hoàn thiện bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội.
Khoảng 10 năm (giai đoạn 1895-1901 và 1906-1909) sinh sống và học tập trên mảnh đất Thừa Thiên-Huế đã góp phần hun đúc nên trí tuệ lỗi lạc, tâm hồn thanh cao, lòng yêu quê hương đất nước và khát vọng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Thừa Thiên-Huế, hiện có khoảng 20 di tích và điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong năm 2021, Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế (gồm 4 di tích) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ và Trường Quốc học.
Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế trân trọng gìn giữ, trùng tu tôn tạo. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế, hàng năm có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm di tích nơi Bác và gia đình từng sinh sống tại Huế. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan.
Để phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế thường xuyên tổ chức các triển lãm tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người dân, đặc biệt thế hệ trẻ; tăng cường công tác số hóa, tổ chức hệ thống mã QR cập nhật thông tin di sản, tư liệu hiện vật tại nhà trưng bày và các di tích; triển khai Đề án "Phát huy giá trị hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch."
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế Lê Thùy Chi cho biết, công tác sưu tầm luôn được bảo tàng quan tâm bởi tư liệu, hiện vật chính là phần hồn, là nội dung quyết định sự thu hút khách tham quan của bảo tàng. Trong những năm gần đây, bảo tàng mở rộng đối tượng và phạm vi sưu tầm, ngoài những hiện vật lịch sử, bảo tàng còn tổ chức sưu tầm nhiều tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật về Bác Hồ (hội họa, điêu khắc, âm nhạc…).
Đầu năm 2024, bảo tàng đã được họa sỹ Nguyễn Văn Nguyên trao tặng một bộ tranh ký họa chiến trường và một số tác phẩm mỹ thuật về đề tài Bác Hồ, lịch sử chiến tranh cách mạng với số lượng 145 bức tranh.
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn đẩy mạnh việc nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình Di sản Văn hóa Phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế. Đến nay, bảo tàng đã tiếp cận hàng trăm nhân chứng trên địa bàn toàn tỉnh, sưu tầm các loại hình Di sản Văn hóa Phi vật thể về Người. Trong đó, xác định được 5 di sản nổi bật, đó là: Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế; Truyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào miền Tây Thừa Thiên-Huế; Kỹ thuật chế tác và sáng tạo hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của các nghệ nhân nghề truyền thống Huế. Các Di sản Văn hóa Phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh được sưu tầm góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản quý giá về Người ở Thừa Thiên-Huế./.