Tháng Bảy tri ân các anh linh liệt sỹ của tình đoàn kết sắt son Việt-Lào

Tháng Bảy về là khoảng thời gian để mỗi người Việt Nam dù bằng hình thức nào, thể hiện lòng thành kính, tri ân các anh linh liệt sỹ và hướng tới các thương binh, thân nhân liệt sỹ.

Cán bộ Báo Điện tử VietnamPlus thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng những vết thương để lại trong mỗi người, mỗi gia đình và thân nhân các thương binh, liệt sỹ thì vẫn còn đó. Tháng Bảy về là khoảng thời gian để mỗi người Việt Nam dù bằng hình thức nào thể hiện lòng thành kính, tri ân các anh linh liệt sỹ và hướng tới các thương binh, thân nhân liệt sỹ.

Hàng năm cứ đến ngày 27/7, cả nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sỹ để những người con đất Việt thành kính dâng hương, tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập nước nhà và những liệt sỹ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế. Đây cũng là dịp quan trọng để chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi các gia đình liệt sỹ, những mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày mang ý nghĩa thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt Nam.

Nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào vào một ngày nắng gắt, bầu trời xứ Nghệ trong xanh xen lẫn những làn mây trắng như những dải lụa mỏng manh. Bao trùm khoảng không trên những ngôi mộ liệt sỹ thẳng hàng là những làn khói hương phất phơ bay lên, hòa quyện với cảnh sắc bầu trời tạo nên một không gian linh thiêng và thành kính hòa vào nhau giữa đất và trời.

Khu nghĩa trang nằm ở thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nằm cách thành phố Vinh khoảng 80 km phía tây Nghệ An. Từ đầu tháng Bảy, Con đường quốc lộ 7 đoạn qua trung tâm thị trấn Anh Sơn (Nghệ An) vào Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào trở nên tấp nập hơn bởi, các cơ quan, đoàn thể, người dân khắp cả nước hướng về với nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào. Các đoàn và mỗi người đến tri ân các liệt sỹ mang theo những bó hoa cúc vàng, nén tâm nhang với tấm lòng thành kính thắp hương trong Nhà tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ và đặc biệt là thắp hương tại những phần mộ của các liệt sỹ ở đây.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Tại đài tưởng niệm, những vòng hoa tưởng niệm của các cơ quan, ban ngành, các đoàn khách, gia đình, các cấp hội... được sắp đặt ngay ngắn.

Ai từng đặt chân đến vùng đất miền Tây xứ Nghệ vào dịp cao điểm của mùa Hè mới hiểu được cảm giác nắng như sém da sém thịt đi kèm gió Lào hầm hập bỏng rát. Có lẽ nắng nóng cũng là một thứ đặc sản của xứ này, vào những ngày đỉnh điểm có nơi nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 45 độ C, hơi nóng khô rát bủa vây.

Giữa cái nắng oi ả, ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào cho hay, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào là nơi tập trung các phần mộ các liệt sỹ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự hy sinh trên chiến trường Lào. Ngay từ đầu tháng Bảy, tất cả các thành viên trong Ban Quản lý Nghĩa trang đều tất bật nhiều việc để chuẩn bị đón tiếp chu đáo các đoàn cũng như người dân khắp mọi miền của Tổ quốc tới nghĩa trang. Mỗi người một công việc khác nhau, người sắp đồ lễ, người dẫn đoàn, người làm công việc nghi lễ… đều phối hợp nhịp nhàng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết từ giữa tháng 7 đến nay, lượng người về nghĩa trang dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ tăng mạnh, trung bình mỗi ngày có khoảng hàng ngàn lượt người tới thắp hương tưởng niệm. Ban quản trang phải huy động tất cả mọi người để quét dọn, thu gom lá rụng, gỡ cỏ, sửa sang lại bát hương, lọ hoa trên các phần mộ. Ban quản trang có 8 người, đều đã làm việc ở đây rất nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+)

Khu nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào có diện tích rộng khoảng gần 7ha, là nghĩa trang lớn nhất tập hợp các mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại nước Lào. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, an táng tại đây. Đây là nghĩa trang lớn nhất quy tập phần mộ các liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào đồng thời là nghĩa trang duy nhất ở nước ta mang tên hai quốc gia Việt Nam-Lào. Nơi đây là biểu tượng cho tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai nước Việt Nam-Lào.

Khu vực nghĩa trang có 2 khu: A và B. Khu A gồm 9 lô mộ liệt sỹ với 5.381 mộ. Khu vực B gồm 13 lô mộ liệt sỹ với tổng 5.219 mộ và một lô mộ tử sỹ gồm 11 mộ. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, có khoảng 11.000 hài cốt các liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước Lào về đây an nghỉ.

Hàng năm, đội quy tập hài cốt liệt sỹ tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào… Đáng lưu ý, rất nhiều, chiến sỹ, cán bộ đã không hay biết được tên. Hiện nay, Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên, quê quán và 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê. Trong những ngôi mộ ấy có ngôi mộ có từ thời mới xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ mới, dấu sơn vẫn còn tươi.

Từ năm 2008, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào được tôn tạo. Hàng năm, Ban Quản lý Nghĩa trang đón tiếp hàng vạn khách đến thắp hương thăm viếng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho cả hai dân tộc.

Công trình biểu tượng tình đoàn kết sắt son Việt-Lào

Trải qua hai cuộc kháng chiến giúp nước bạn Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Họ đã luôn kề vai, sát cánh và cùng với bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Các chiến sỹ của Việt Nam đã coi đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình và quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng nhận được tình cảm yêu mến của nhân dân Lào.

(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong số hàng ngàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ấy có không biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống trên đất nước Triệu Voi. Mồ hôi, xương máu của chiến sỹ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sỹ và nhân dân Lào góp phần vun đắp, bảo vệ, phát triển tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào. Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào là công trình biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam.

Dẫn chúng tôi đi qua những ngôi mộ, ông Nguyễn Văn Ngọc cho hay theo kế hoạch, diện tích mở rộng Nghĩa trang được phê duyệt thêm 14,2 ha nâng tổng diện tích Nghĩa trang hơn 20ha, Chủ trương mở rộng của Nhà nước xây dựng Nghĩa trang thành điểm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, và thể hiện sự đoàn kết gắn bó của hai đất nước Việt Nam-Lào. Tuy nhiên, có một điểm khó khăn đó là thời tiết khắc nghiệt của vùng biên Việt-Lào ảnh hưởng khá nhiều đến công tác trùng tu, chăm sóc cho các ngôi mộ liệt sỹ.

(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Nắng nóng khắc nghiệt đi kèm những cơn mưa xối xả khiến cho bát hương và lọ hoa trên các ngôi mộ liệt sỹ bị xuống cấp, đổ vỡ, hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho công tác thăm viếng, chăm sóc các phần mộ. Có những lần chỉ sau một trận mưa bão, hàng trăm bát hương lọ hoa đã bị đổ vỡ. Chính vì thế, về phía địa phương, tỉnh Nghệ An đã xác định việc tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sỹ là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, tỉnh đều có nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân đối với những người có công với Tổ quốc, thường xuyên đầu tư và huy động thêm nguồn lực để nâng cấp tu bổ, tôn tạo nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sỹ,” Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào cho biết.

Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào cũng cho biết thêm, về nhân lực, hiện nay Ban quản trang chỉ có 8 người bao gồm ban lãnh đạo, bộ phận hành chính-kế toán, quản lý hồ sơ liệt sỹ, bộ phận nghiệp vụ. Với quy mô nghĩa trang mở rộng trong giai đoạn sắp tới lên tới 20ha sẽ có rất nhiều khó khăn cho công tác về nguồn nhân lực từ việc quét dọn vệ sinh và chăm sóc các lô mộ, công việc của ban đón tiếp thân nhân và các đoàn khách về thăm viếng và tìm mộ... Đặc biệt các nguồn kinh phí để hỗ trợ đón tiếp thân nhân không có, và cơ sở vật chất của nghĩa trang vẫn còn hạn hẹp khi chưa có chỗ nghỉ ngơi để hỗ trợ các gia đình liệt sỹ đi lại khi tới đây…

Trước mắt, Ban Quản lý Nghĩa trang cũng đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hiện thực hóa chủ trương của tỉnh thay toàn bộ lọ hoa và bát hương tại nghĩa trang sang loại làm bằng đá, bảo đảm độ bền đẹp và chắc chắn, gắn vĩnh viễn lên các ngôi mộ liệt sỹ, tạo một diện mạo khang trang, tôn kính cho nơi an nghỉ của gần 11.000 liệt sỹ là lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam đến từ 47 tỉnh thành trên cả nước đã hy sinh tại nước bạn Lào.

Thành kính tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ủng hộ chủ trương nhân văn của tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào, Báo Điện tử VietnamPlus đã dâng tặng 500 bộ lọ hoa và bát hương để gắn lên phần mộ các liệt sỹ an nghỉ nơi đây.

Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay: “Nghĩa trang liệt sỹ không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sỹ mà còn là công trình văn hóa-lịch sử mang đậm giá trị nhân văn, ghi nhận công lao của các Anh hùng liệt sỹ. Bảo vệ và chăm sóc phần mộ của liệt sỹ vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người đang sống đồng thời có tính giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’, góp phần giữ gìn nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ ngày càng trang nghiêm.”

Những năm qua, phát huy truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với những liệt sĩ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Những ngày tháng 7 này, cùng với cả nước, các cấp, ngành tiếp tục lan tỏa hành trình tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh và những gia đình có nhiều đóng góp cho hòa bình, độc lập. Những việc làm thiết thực đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, mang lại niềm tin, nghị lực và cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào, nhiều người đã không cầm được nước mắt, bởi còn có rất nhiều phần mộ không biết được tên tuổi, quê hương.

Gần 50 năm đã trôi qua, kể từ khi xây dựng cho đến nay, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào trở thành chốn đi về của bao thân nhân gia đình liệt sĩ. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ đỏ, một điểm giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và nhân dân khắp mọi miền cả nước. Hàng ngàn người dân khi đến nghĩa trang thắp những nén nhang thơm tri ân lên các phần mộ, mọi người dường như đều kính cẩn nghiêng mình và cảm thấy tự hào về những cống hiến hết mình của các liệt sỹ./.