Thảm kịch báo trước khi hàng hóa bịt kín lối thoát nạn tại vụ cháy Định Công Hạ

Ngôi nhà xảy ra cháy ở số 207 Định Công Hạ (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) là nhà ở kết hợp kinh doanh. Từ tầng 1 đến 3 dùng để kinh doanh, tầng 4 trở lên để ở, hàng hóa xếp kín cầu thang.

Hàng hóa bịt kín lối thoát nạn tại tầng 1 ngôi nhà 207 phố Định Công Hạ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Khoảng 18 giờ 22 phút ngày 16/6, hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi nhà trên phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) làm 4 người thiệt mạng.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã phải điều động 12 xe chữa cháy cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Nhiều mũi tiến công, 'vây hãm' lửa cũng được triển khai.

Tuy nhiên, tầng 1, 2 của ngôi nhà chất kín hàng hóa, gồm sơn, keo, máy bơm, vật liệu xây dựng... nên gây khó khăn cho việc thoát nạn và công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Theo người dân sinh sống tại đây, bên trong nhà có 1 hệ thống thang máy và thang bộ. Tuy nhiên, ở lối thang bộ cũng xếp kín hàng hóa.

Vụ cháy này có điểm tương đồng với vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 14 người. Sân và tầng 1 ngôi nhà, nhiều xe cộ, bình ắc quy và các dụng cụ sửa xe để kín lối đi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Thái- chuyên gia của Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay đều tận dụng cầu thang, mặt tiền nhà hoặc các tầng thấp làm nơi để hàng hóa.

"Việc sắp xếp hàng hóa kín cầu thang, tầng nhà vô tình đã bịt lối thoát nạn sinh tử của nạn nhân," ông Bùi Xuân Thái nói.

Hiện trường vụ cháy thương tâm trên phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) tối ngày 16/6. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cũng theo ông Thái, người dân cần lưu ý các vấn đề khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt. "Cần đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái," ông nhấn mạnh.

Các hộ dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt ở nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và mọi thành viên đều biết sử dụng thành thạo. Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.

"Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà", ông Thái khuyến cáo./.