Thảm họa cháy rừng tại bang California của Mỹ: Cơn thịnh nộ của Mẹ Trái Đất
Chuyên gia nhận định thảm họa cháy rừng tồi tệ mà California đang hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái Đất ấm lên, mà trong đó con người chính là tác nhân chính.
Ngay những ngày đầu năm mới 2025, nước Mỹ đã phải đối mặt với “cơn thịnh nộ của Mẹ Trái Đất” khi cháy rừng quy mô lớn xảy ra tại nhiều nơi ở bang bờ Tây California khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, thiêu rụi hàng chục nghìn ngôi nhà và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Sở Cứu hỏa và Bảo vệ rừng California cho biết hỏa hoạn ban đầu bùng phát tại khu vực Pacific Palisades ở ngoại ô thành phố Los Angeles vào sáng 7/1, sau đó liên tiếp xuất hiện các vụ cháy lớn khác tại bang này.
Theo tờ New York Times, ngày 11/1, lực lượng chức năng dù rất cố gắng song vẫn chưa thể khống chế được các đám cháy rừng ở California.
Tại Los Angeles, khoảng 180.000 người đã được lệnh sơ tán khẩn cấp, hơn 10.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi và đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất lịch sử thành phố trong vòng 100 năm qua với mức thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 57 tỷ USD.
Cháy rừng cũng gây ra khói mù khiến nhiều trường học và địa điểm công cộng phải đóng cửa. Chuyên gia Carlos Gould tại Đại học California San Diego cho biết nồng độ các hạt bụi mịn ở Los Angeles đã lên đến mức báo động, dao động từ 40-100 microgam/m3, vượt xa mức tối đa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị là an toàn 5 microgam/m3, đồng thời đưa ra cảnh báo về những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Giới chuyên gia cũng có phần bất ngờ khi hỏa hoạn xảy ra vào thời điểm này. California thường chứng kiến các vụ cháy rừng trong tháng Sáu-Bảy và có thể kéo dài đến tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, trận cháy rừng quy mô lớn hiện nay lại xảy ra vào tháng Một, tức là thời điểm mùa Đông lạnh nhất ở California.
Có nhiều nguyên nhân, cả trực tiếp và gián tiếp, lý giải cho sự bất thường này. Bà Heather Zehr, nhà khí tượng học hàng đầu của tổ chức AccuWeather, cho rằng một trong những nguyên nhân gây hỏa hoạn là bang California vừa trải qua một mùa khô kỷ lục.
Theo Cơ quan Giám sát hạn hán Mỹ, có tới 83% khu vực thuộc hạt Los Angeles đã hứng chịu hạn hán trong năm 2024, nhiều nơi thậm chí không có hạt mưa nào kể từ tháng Tư năm ngoái và độ ẩm xuống cực thấp.
Gió mạnh khác thường cũng là nguyên nhân “đổ thêm dầu vào lửa.” Các đám cháy đã lan rộng với tốc độ chóng mặt khi gió mạnh tới 140km/giờ, trong đó thủ phạm hàng đầu chính là gió Santa Ana khô nóng thổi từ nội địa sa mạc phía Tây đến vùng duyên hải Nam California.
Trong khi đó, chuyên gia Nina S. Oakley, một nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps (Đại học California), lại cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho điều kiện tự nhiên, mà con người cũng phải gánh một phần trách nhiệm khi hỏa hoạn xảy ra quy mô lớn như hiện nay ở Los Angeles.
Bà chỉ ra rằng California từng đối mặt với những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng bắt nguồn từ việc đường dây điện hay khí đốt phát nổ, hay thậm chí ngọn lửa bùng phát vì người dân đốt pháo hoa tại các bữa tiệc.
Cũng không ít ý kiến chỉ trích rằng bang California chưa chuẩn bị thật sự đầy đủ để đối phó với thảm họa quy mô lớn và thảm họa cháy rừng tại Pacific Palisades là lời cảnh báo về sự thiếu chuẩn bị của con người trước thiên tai.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định “cơn thịnh nộ của Mẹ Trái đất” mà California đang phải hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái Đất ấm lên, mà trong đó con người chính là tác nhân chính.
Theo nghiên cứu của Đại học California, các nhà khoa học đã phát hiện các đám cháy ở miền Tây nước Mỹ ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, với tình trạng khẩn cấp về khí hậu làm tăng nguy cơ hỏa hoạn 25% ở California.
Giới nghiên cứu tính toán rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% các khu vực hỏa hoạn ở California kể từ những năm 1970 và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong 1 thập kỷ tới. Park Williams, nhà khí hậu học tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, chia sẻ quan điểm này khi cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng các vụ cháy rừng.
Theo chuyên gia này, “mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, khiến thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp làm thảm thực vật khô hơn, và cháy rừng là không thể tách rời. Tại những khu vực như thế, đôi khi chỉ cần một tia lửa là dẫn đến thảm họa.”
Theo ông Varun Sivaram, thành viên cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng và khí hậu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, thảm họa thiên nhiên hiện nay ở California cho thấy mức độ nguy hiểm mà biến đổi khí hậu có thể gây ra.
Ông cảnh báo thế giới có lẽ cần phải chấp nhận thực tế phũ phàng là sẽ bỏ lỡ mục tiêu ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C và đạt mức phát thải khí nhà kính ròng về 0 vào giữa thế kỷ này.
Chuyên gia này cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức trong thời gian tới vì biến đổi khí hậu, từ hạn hán, cháy rừng cho tới sóng nhiệt và lũ lụt.
Nhà khoa học Austin Ott tại Trung tâm phòng cháy chữa cháy Dudek nhận định cháy rừng là một phần tự nhiên của chu kỳ Trái Đất và bang California của Mỹ qua thời gian đã thích ứng với “một hệ sinh thái hỏa hoạn.”
Người California bản địa cũng thích nghi với những vụ cháy rừng và điều chỉnh lối sống một cách phù hợp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu dường như đang làm biến đổi hệ sinh thái này, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai, Chính phủ Mỹ cần đầu tư vào quản lý rừng và cơ sở hạ tầng chống thiên tai. Các chuyên gia nhấn mạnh việc khắc phục và vượt qua thảm họa cháy rừng tại California lúc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền liên bang và bang, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Hành động kịp thời và sự đoàn kết là chìa khóa để vượt qua thảm họa và xây dựng một tương lai bền vững hơn. Và trên hết đó là hành động khí hậu chung của chính phủ và người dân Mỹ, cũng như của mọi công dân trên thế giới, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và cứu lấy “Hành tinh Xanh.”
Có như vậy, California hay bất kỳ nơi nào trên Trái Đất này mới ít nguy cơ phải hứng chịu “sự nổi giận của thiên nhiên.”/.