Thái Nguyên: Mưa lũ làm hơn 8.000ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị thiệt hại

Từ ngày 6/9 đến ngày 11/9, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ngập lụt, làm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân với tổng thiệt hại lên đến hơn 780 tỷ đồng.

Nhiều diện tích lúa bị mưa lũ làm hư hỏng. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Sau bão số 3 (bão Yagi), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phối hợp, chỉ đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung phục hồi sản xuất để kịp thời khắc phục hậu quả và hạn chế thiệt hại, đảm bảo kế hoạch sản xuất.

Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đối với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tập trung bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại.

Với diện tích lúa giai đoạn trỗ-chín sữa-chín sáp, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, người dân dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa bằng dây thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Với diện tích lúa làm đòng, chuẩn bị trỗ, người dân dựng lúa nếu bị đổ rạp. Sau khi thời tiết tạnh ráo, người dân phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trỗ thoát.

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, người dân tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng," giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như: ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại…

Đối với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch, tranh thủ thời tiết thuận lợi, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo người dân khơi thông, vét mương máng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ. Song song với đó, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ Đông.

Trong sản xuất rau màu, sau khi nước rút, người dân thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy; đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Tại các vùng chuyên rau màu, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút, bà con vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi.

Khi đất khô ráo, người dân xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại, phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau. Người dân cũng tranh thủ mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Đối với sản xuất chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên chỉ đạo cơ quan thú y nghiêm túc giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, các khu vực bị ngập lụt để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Tại các vùng bị ngập, lụt ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn tổng vệ sinh, thu gom phân, rác để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Nhiều khu dân cư ở thành phố Thái Nguyên bị nước cô lập ngày 11/9. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Lực lượng khuyến nông, lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ, chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp đối với từng đối tượng nuôi.

Cùng với đó, ngành chức năng triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2024, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2/2024 cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo hoàn thành trong tháng 10/2024...

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9 đến ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, kết hợp với mưa to từ thượng lưu sông Cầu làm mực nước sông Cầu dâng cao, tạo thành đợt lũ lịch sử (kể từ năm 1959). Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt làm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 780 tỷ đồng.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, mưa lũ làm hơn 8.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại; trên 300.000 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 860ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng; 5 đập dâng, 8 trạm bơm và khoảng 52km kênh mương bị hư hỏng./.