Thái Lan nỗ lực tìm lời giải cho bài toán IUU của EC
Giới chuyên gia cho rằng thời gian tới, Thái Lan sẽ gia tăng việc tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu các nước ngoài được cho là vi phạm đánh bắt cá IUU… để tạo ấn tượng với EC.
Tháng 4/2015, Thái Lan đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp cảnh báo "thẻ vàng" liên quan tới các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Chính phủ Thái Lan khi đó lập tức triển khai quyết liệt các biện pháp (cả về lập pháp, tư pháp và hành pháp) nhằm nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Đáng chú ý là việc ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động và chủ động hợp tác quốc tế…
Luật Thủy sản 2015 và các quy định liên quan được coi là một trong những luật thủy sản nghiêm khắc nhất trên thế giới, với việc coi đánh bắt IUU là tội phạm quốc tế và mức phạt cao lên tới 30 triệu baht (780.000 euro) hoặc gấp 5 lần giá trị sản phẩm đánh bắt được.
Thông qua việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống IUU theo khuyến cáo của EC, Thái Lan đã sớm đạt được những thành quả nhất định.
Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ cảnh báo "thẻ vàng," công nhận tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá IUU kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, việc triển khai quyết liệt, nghiêm khắc Luật Thủy sản 2015 và các quy định liên quan cũng tác động mạnh tới ngành thủy sản Thái Lan nói chung và ngư dân, lao động nghề cá nói riêng.
Sau khi “thẻ vàng” IUU được gỡ bỏ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Thái Lan không những không tăng mà thậm chí còn thấp hơn nhiều so với trước đây, khi tác động của việc triển khai một số quy định phòng chống IUU đối với ngư dân là khá nặng nề.
Cụ thể, trước năm 2015, xuất khẩu thủy sản của Thái Lan đạt trên 10 tỷ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động trong nước và 200.000 lao động nước ngoài.
Kể từ khi áp dụng Luật Thủy sản 2015, Hiệp hội nghề cá quốc gia Thái Lan (NFAT) cho biết ngành đánh cá Thái Lan đã bị thiệt hại hơn 90 tỷ USD, ước tính khoảng 8,5 tỷ USD mỗi năm.
Hiện nay, chỉ có khoảng 4.000-5.000 tàu trong tổng số hơn 15.000 tàu cá của Thái Lan ra khơi hoạt động đánh bắt khiến cho hàng nghìn ngư dân phải tạm dừng hoạt động nghề cá và Thái Lan từ nước xuất khẩu thủy sản đã trở thành nước nhập khẩu 600.000 tấn thủy sản mỗi năm.
Tình hình đó đặt Chính phủ Thái Lan trước bài toán phải cân nhắc thay đổi cách tiếp cận, tìm cách giải quyết vấn đề đánh bắt cá IUU một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn trong nước, bởi ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan, đóng góp khoảng 3,61 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2022.
Sau khi lên nắm quyền, chính phủ do đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo đã công bố chính sách “Khôi phục chủ nhân biển cả” và quyết tâm hồi sinh ngành đánh bắt cá thông qua việc hủy bỏ các nghị định khẩn cấp từ chính phủ trước, ban hành nhiều quy định mới về đánh bắt cá, qua đó trao lại cơ hội cho các tàu đánh cá thương mại Thái Lan vốn phần lớn đã bị ngừng hoạt động.
Từ đầu năm 2024, Hạ viện Thái Lan đã thúc đẩy sửa đổi Luật Thủy sản 2015, trong đó đã thông qua lần 1 đối với 8 dự thảo sửa đổi Luật Thủy sản 2015 (gồm 1 dự thảo do Nội các đề xuất và 7 dự thảo của các đảng chính trị đề xuất) và đang tiếp tục tổ chức thảo luận xem xét để có thể ban hành trong năm nay.
Nhìn chung, các dự thảo luật đều có xu hướng tạo điều kiện hơn cho hoạt động khai thác, đánh bắt cá bằng cách nới lỏng một quy định kiểm soát khai thác IUU bị coi là quá khắt khe, như đề xuất bãi bỏ hình phạt tù, giảm một số khoản mức tiền phạt, bổ sung quy định cho phép tại ngoại thay vì tạm giữ thuyền viên, thu giữ tàu trong thời gian xử lý vi phạm.
Không đánh giá “mức độ đặc biệt nghiêm trọng” đối với các hành vi như báo cáo không chính xác hoạt động khai thác hay tiêu hủy tài liệu liên quan; bãi bỏ một số quy định về cấm sử dụng ngư cụ (như lưới cào, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ…); cho phép trao đổi sản phẩm đánh bắt giữa các tàu thuyền ngay trên biển; điều chỉnh cơ chế giám sát, kiểm soát tàu cá…
Ngoài ra, một số dự luật kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu thủy sản từ các nước láng giềng, bao gồm cả việc thiết lập hạn ngạch và các rào cản thương mại khác, trong đó dự thảo do Nội các đề xuất thu phí nhập khẩu thủy sản ở mức 20 baht/kg (khoảng 14.000 đồng/kg).
Động thái của Thái Lan thúc đẩy sửa đổi Luật Thủy sản 2015 đã vấp phải phản ứng trái chiều của các bên liên quan.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang theo dõi sát các động thái của Thái Lan.
Hội đồng cố vấn thị trường EU (MAC) công bố báo cáo và gửi thỉnh nguyện thư cho EC cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của động thái sửa đổi luật trên, kêu gọi EC gia tăng sức ép với Thái Lan trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Thái Lan-EU hay trong vấn đề lao động và nhân quyền.
Người phát ngôn EC tuyên bố khối có thể cân nhắc việc quay lại cảnh báo thẻ vàng hoặc các biện pháp trừng phạt khác nếu Thái Lan tiếp tục tiến tới nới lỏng các quy định đánh bắt cá và khẳng định sẽ không ngần ngại thực hiện mọi biện pháp cần thiết nếu thấy Thái Lan không hợp tác chống khai thác IUU.
Trong khi đó, Hiệp hội Nghề cá Quốc gia Thái Lan (NFAT) cho rằng một số quy định là quá hà khắc, ảnh hưởng tới thương mại và sinh kế của ngư dân.
Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra ý kiến nhu cầu và giá các mặt hàng thủy sản trên thế giới đang ở mức cao, trong khi nguồn thủy sản ở Vịnh Thái Lan và biển Andaman đang khá dồi dào, do đó cần giải phóng cơ chế cho phép khai thác nguồn tài nguyên tại đây.
Chủ tịch NFAT Mongkol Sukcharoenkana cho rằng dự thảo luật này là một giải pháp và không thay đổi toàn bộ luật, mà chỉ giải quyết một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như điều chỉnh hình phạt quá nghiêm khắc, quá khắt khe từ luật IUU đang được áp dụng và đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành thủy sản lẫn sinh kế của ngư dân.
Theo ông, năm nay, Thái Lan sẽ phải nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn hải sản do phần lớn ngư dân Thái Lan không còn khả năng ra khơi, và đó là hệ quả của việc áp dụng các quy định IUU quá khắt khe.
Còn đối với luật IUU, vẫn cần trừng phạt những hành vi vi phạm nghiêm trọng như tàu thuyền trái phép và đánh bắt trái phép ở vùng biển của các quốc gia khác hoặc vùng biển quốc tế và tàn phá nghiêm trọng các nguồn tài nguyên...
Vấn đề mấu chốt là mọi sửa đổi liên quan Luật Thủy sản sẽ không được ảnh hưởng đến cam kết của Thái Lan trong việc chống khai thác IUU.
Bởi vậy, giới chuyên gia đánh giá bên cạnh việc cân nhắc nới lỏng các quy định kiểm soát hoạt động vi phạm IUU trong nước, thời gian tới Thái Lan sẽ gia tăng việc tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu các nước ngoài được cho là vi phạm đánh bắt cá IUU… để tạo ấn tượng với EC về các thành tựu chống IUU theo khuyến nghị của EC.
Có thể thấy rằng Chính phủ Thái Lan đang đối mặt với “bài toán khó,” đó là đáp ứng các yêu cầu của EC trong chống khai thác IUU, song cũng phải đảm bảo việc triển khai áp dụng, thi hành các quy định không quá cứng nhắc, tránh ảnh hưởng tới ngành thủy sản cũng như sinh kế của ngư dân.
Nhiệm vụ đặt ra là làm sao hài hòa giữa việc kiểm soát, quản lý để hoạt động khai thác không vi phạm các quy định, đồng thời đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Nỗ lực của Thái Lan tìm lời giải cho bài toán này sẽ là bài học kinh nghiệm để các nước ven biển, trong đó có Việt Nam, tham khảo./.