Thái Bình: Nhân rộng mô hình biến rác thải sinh hoạt thành tiền
Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh Thái Bình đã thu được gần 1,7 tỷ đồng từ mô hình biến rác thải sinh hoạt thành tiền, trong đó huyện hội Kiến Xương dẫn đầu với số tiền trên 600 triệu đồng.
Với nhiều người, nhiều gia đình, nhiều địa phương, rác thải sinh hoạt là thứ bỏ đi, gây nhiều phiền phức, khó chịu.
Nhưng với những hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình, rác thải sinh hoạt có thể biến thành tiền, làm nhiều việc tử tế, nhân văn, thiết thực trong đời sống hằng ngày.
Gom rác làm việc thiện
Bà Bùi Thị Síu, 73 tuổi, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn An Cơ Đông (xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), thường xuyên mang phế liệu ra khu vực Nhà văn hóa thôn góp cho Chi hội Phụ nữ thôn.
Bà cho biết hằng ngày, gia đình bà thường phân loại rác thải sinh hoạt để xử lý. Với những rác tái chế được như chai, lọ nhựa, bìa cát tông, vỏ lon nước ngọt..., gia đình bà thường để gọn gàng rồi bán cho đồng nát đến tận nhà thu mua.
Khoảng hai năm trở lại đây, đều đặn mỗi tháng, gia đình bà lại mang những loại rác này ra Nhà văn hóa thôn góp cho Chi hội Phụ nữ thôn, không bán đồng nát như trước.
Bà Síu bảo: "Thấy hội phụ nữ gom rác bán lấy tiền làm việc thiện nên tôi mang ra cho."
Chị Đinh Thị Quy, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn An Cơ Đông, cho biết Chi hội có hơn 200 hội viên. Thời gian đầu triển khai mô hình "Biến rác thải thành tiền," chị em trong Ban Chấp hành Chi hội phải kéo xe lôi đến tận nhà các hội viên tuyên truyền vận động, giải thích về ý nghĩa của mô hình. Khi đó, có gia đình ủng hộ, có gia đình không, có người còn gọi các chị là những bà đồng nát.
Vì mục tiêu làm việc thiện, các chị không ngại, chủ động đến những gia đình trong thôn có việc hiếu, hỷ đặt vấn đề phụ giúp việc để thu gom phế liệu...
Sau một thời gian kiên trì làm, từ nguồn tiền bán rác thu gom được, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày thành lập Hội, ngày lễ, Tết, Ban Chấp hành Chi hội tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà những hội viên, người nhà hội viên trong chi hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm nặng.
Thấy được việc làm này rất ý nghĩa, các hội viên đã tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng ủng hộ. Đến nay, hằng tháng, hằng quý, trước một ngày thu gom, Ban Chấp hành Chi hội thông báo trên loa phát thanh thôn "ai có cho, mang ra điểm tập kết tại Nhà văn hóa thôn."
Nhiều hội viên tập dân vũ vào buổi tối tại nhà văn hóa thôn, cứ có rác là tự nguyện xách ra cho, không đợi thông báo. Với những hội viên có rác cho nhưng bận mải công việc hoặc tuổi cao, không tiện mang ra điểm tập kết, đại diện Chi hội vẫn kéo xe lôi vào tận nhà "xin."
Tác dụng kép từ gom rác
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kiến Xương Lương Thị Kim Oanh cho biết thực hiện mô hình thu gom phế liệu gây quỹ hội để ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Tân nói chung, Chi hội Phụ nữ thôn An Cơ Đông nói riêng triển khai rất hiệu quả.
Để nâng cấp mô hình này, Hội Phụ nữ xã Thanh Tân còn trích nguồn từ bán rác để mua chế phẩm sinh học, mua thùng nhựa hỗ trợ nhiều hội viên thu gom rác hữu cơ tại nhà ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Từ đơn vị được chọn tổ chức làm điểm này, Huyện Hội Kiến Xương đã xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình ra tất cả 33 xã, thị trấn. Để duy trì bền lâu, Hội hướng dẫn cơ sở thu gom phế liệu hằng tháng, hằng quý. Từ số tiền thu được, chị em ở cơ sở phải công khai thu, chi và bình xét tặng quà các đối tượng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các dịp kỷ niệm của Hội, ngày lễ, tết của dân tộc.
[Vì sao hoạt động phân loại rác sinh hoạt vẫn chưa hiệu quả?]
Qua hai năm triển khai, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn triển khai rất tốt. Mô hình đang được ấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân của huyện đồng tình ủng hộ.
Hội Phụ nữ các cấp của huyện Kiến Xương đã thu được trên 600 triệu đồng từ bán rác, từ đó ủng hộ được trên 700 lượt trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ nghèo.
Mô hình còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện mô hình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội phát động và mô hình "Cặp lá yêu thương" được huyện hội duy trì nhiều năm qua.
Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Thanh Tân Nguyễn Văn Thành cho biết Hội Phụ nữ xã Thanh Tân đã thực hiện tốt các phong trào của hội, đặc biệt là việc tổ chức thu gom, phân loại xử lý rác thải sinh hoạt để ủ làm phân bón hữu cơ và thu được gần 100 triệu đồng từ bán phế liệu để tặng quà nhiều phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng năm, mô hình này của Hội còn góp phần làm giảm từ 40% đến 50% lượng rác thải sinh hoạt mà xã phải tổ chức chôn lấp.
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình được triển khai đầu tiên tại xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư) từ năm 2018, với tên gọi ban đầu “Thu gom phế liệu bảo vệ môi trường." Hoạt động chính của mô hình là tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình hội viên phụ nữ phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình.
Với rác thải hữu cơ, các gia đình mang đi chôn lấp để tận dụng làm phân bón hữu cơ; với rác thải vô cơ có thể tái chế, cán bộ chi hội đi gom về một điểm để bán; đối với rác thải vô cơ không tái chế được, các gia đình mang ra nơi tập kết, chuyển ra bãi rác để xử lý.
Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, đến tháng 5/2021, Hội Phụ nữ xã Duy Nhất thu gom được trên 5 tấn phế liệu, bán và thu được trên 25 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, các thành viên mô hình đã thống nhất nhập vào quỹ hội và sử dụng hỗ trợ sửa chữa hai nhà phụ nữ nghèo trị giá 6 triệu đồng; tặng 3 triệu đồng cho một trẻ em bị bệnh hiểm nghèo; tặng 150 con gà giống trị giá 3,7 triệu đồng cho 10 phụ nữ nghèo. Số tiền còn lại tặng 100 suất quà, hai thẻ Bảo hiểm y tế cho phụ nữ, trẻ em nghèo, gia đình chính sách...
Từ hiệu quả của mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố và cơ sở tuyên truyền, triển khai, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đến hết năm 2022, 8/8 huyện thành phố và trên 60% cơ sở Hội đã xây dựng và triển khai mô hình này.
Đặc biệt, tại huyện Kiến Xương, tất cả 33 xã, thị trấn và 218/231 chi, tổ hội phụ nữ triển khai thực hiện mô hình với số tiền thu được gần 400 triệu đồng. Số tiền trên đã được các cấp Hội trong huyện xây dựng quỹ để thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện, thăm, tặng quà những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã thu được gần 1,7 tỷ đồng từ mô hình này, trong đó, huyện hội Kiến Xương dẫn đầu với số tiền trên 600 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình Phạm Thị Kim Dung nhận định, mô hình “Biến rác thải thành tiền” đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Bên cạnh đó, các cấp Hội xây dựng được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện và góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Với mô hình “Biến rác thải thành tiền," Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình đã được tôn vinh là một trong những điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức./.