Thái Bình: Chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận làm việc với Công an tỉnh, Công an thành phố và UBND thành phố Thái Bình về vụ án trẻ mầm non tử vong trên xe đưa đón của trường. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 khiến một trẻ tử vong, sáng 30/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình ra văn bản chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình; kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn đối với hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể xây dựng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được học tập và rèn luyện; ký kết, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông... tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón trẻ, Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ôtô; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố tổ chức kiểm tra chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.

Chiếc xe ôtô chở cháu bé bị bỏ quên. (Ảnh: TTXVN phát)

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định; lái xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ôtô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.

Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.

Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn về giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ôtô; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ôtô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp; giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, nhất là việc xử lý các tình hình huống có thể xảy ra khi tham gia giao thông, để nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ôtô; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn vận chuyển, đưa đón học sinh.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ôtô; tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh thường xuyên tuyên truyền cho các phụ huynh học sinh về việc nuôi dạy trẻ an toàn, kiên quyết không gửi trẻ ở những điểm giữ trẻ không phép; tổ chức giám sát hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình, phát hiện kịp thời những điểm giữ trẻ không phép, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định./.