Thách thức và cơ hội đan xen của ngành dệt may Việt Nam
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết với chủ đề "Ngành dệt may trong bối cảnh mới" để nhận thức rõ thách thức, cơ hội, tiềm năng, đánh giá đúng tình hình chủ động có giải pháp thích ứng.
Các yêu cầu về xanh hóa và phát triển bền vững ngành dệt may hiện không còn là xu hướng mà đã được nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn luật hóa.
Cùng với đó, do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng yếu, chưa phục hồi như trước đại dịch đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Do vậy, để giải bài toán cân đối giữa tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nhận thức rõ thách thức, cơ hội, tiềm năng, đánh giá đúng tình hình, chủ động có giải pháp thích ứng phù hợp để vượt qua khó khăn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết với chủ đề "Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh mới."
Bài 1: Thách thức và cơ hội đan xen
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu tiêu dùng chưa thật sự phục hồi như trước đại dịch, áp lực cạnh tranh từ đối thủ và áp lực chuyển đổi xanh từ thị trường càng tạo nên nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với nó cũng là những cơ hội mà nếu biết tận dụng tốt, dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao được lợi thế cạnh tranh, giành được thêm đơn hàng, mở rộng, đa dạng hóa thị trường.
Thách thức không hề giảm
EU là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn, mặc dù đã có sự nới lỏng, hoãn thời gian thực thi hoặc thu hẹp phạm vi đối tượng áp dụng của một số quy định luật hóa liên quan đến xanh hóa và phát triển bền vững ngành dệt may do kinh tế khó khăn. Nhưng EU không hủy bỏ mà vẫn duy trì lộ trình thực hiện các quy định đã công bố.
Trong khi đó, tại Hội nghị COP24 của Liên hợp quốc, các nhà mua hàng là các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng đã cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong và ngoài ngành thời trang vì một tương lai sạch hơn. Các thương hiệu thời trang nhanh cũng đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi này.
Theo ông Đinh Quốc Duy, Trưởng bộ phận đánh giá của Công ty IDFL Việt Nam (công ty chuyên đánh giá và chứng nhận các tiêu chuẩn về vật liệu dệt may), cho biết số lượng chứng nhận về tái chế và hữu cơ của 5 nước đang cạnh tranh nhau trên lĩnh vực dệt may là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng.
Trong số đó, Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất với hơn 25.000 công ty đang sở hữu chứng nhận tái chế GRS.
Theo ông Chu Mạnh Quân, chuyên gia tư vấn của Công ty Anfazi, công ty chuyên tư vấn quản trị tài sản trí tuệ, báo cáo của McKinsey, cũng cho thấy thế giới đang ngày càng quan tâm công nghệ về tái chế và Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu về công nghệ tái chế với các công ty như Eastman, Dystar, QuangDong, …
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), những áp lực trên là thách thức của ngành dệt may Việt Nam, vì khoảng 80% doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Các nhà mua hàng dệt may lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ngoài việc yêu cầu các nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng các yếu tố cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, còn phải đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững; yêu cầu minh bạch thông tin để truy xuất, đánh giá không chỉ mỗi nhà máy của mình mà còn phải truy xuất, đánh giá được toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, xu hướng đặt hàng hiện nay cũng đang có sự thay đổi rõ rệt. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, cùng tình hình suy thoái kinh tế khiến các nhà mua hàng chuyển sang đặt các đơn hàng với số lượng nhỏ, đa dạng mẫu mã, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn.
Trong khi đó, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng. Doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu bông hoàn toàn và phải nhập số lượng lớn sợi, vải và phụ liệu. Ngành may cũng đang thiếu khoảng 500.000 lao động. Theo đó, thiếu nhiều nhất là lao động có tay nghề cao như cán bộ quản lý cấp trung, cán bộ thiết kế, cán bộ quản lý đơn hàng.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), các chính sách cụ thể để xanh hóa ngành dệt may vẫn còn thiếu và chưa triển khai đồng bộ. Quy hoạch, phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi, dệt, nhuộm chưa được chi tiết hóa. Khung pháp lý tài chính xanh như thị trường trái phiếu xanh, các công cụ huy động tài chính xanh mới như thị trường carbon chưa được hoàn thiện, khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính và chưa khuyến khích các doanh nghiệp tích cực chuyển dịch xanh hóa.
Bên cạnh đó, mặc dù người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng ủng hộ vật liệu xanh, bền vững, nhưng nguồn cung chưa dồi dào, chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất truyền thống, kéo theo giá bán cao. Do vậy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh nhìn chung còn yếu, các sản phẩm xanh sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống hiện hữu, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị VINATEX, Renewcell - một công ty của Thụy Điển tiên phong trong nghiên cứu công nghệ và tái chế quần áo cũ thành nguyên liệu đầu vào kéo sợi viscose và lyocell, đã phải tuyên bố phá sản vào đầu tháng 3 vừa qua. Mặc dù, có cổ đông lớn nhất là hãng thời trang H&M, nhưng Renewcell vẫn bị phá sản do gặp nhiều khó khăn về đầu ra do cầu suy yếu, trong khi giá nguyên liệu tái chế cao.
Những vấn đề trên cho thấy để giải bài toán cân đối giữa chuyển đổi xanh và sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn như hiện nay không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Cơ hội đan xen
Mặc dù những thách thức đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam trên con đường chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là không hề nhỏ, nhưng song hành với nó là những cơ hội mà ngành dệt may Việt Nam có thể tận dụng tốt để hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, việc Việt Nam ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây như EVFTA, CPTPP với ưu đãi thuế quan hướng đến bằng 0 dành cho hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có mong muốn đến Việt Nam đầu tư sản xuất để tận dụng quy tắc xuất xứ lợi thế từ Việt Nam bán hàng cho các nhãn hàng nhập khẩu vào thị trường EU, CPTPP. Đây là cơ hội để Việt Nam kêu gọi và thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt, những khu công nghiệp sinh thái, lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, tái chế xơ sợi, tái chế vải,... để đáp ứng những yêu cầu của phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Text Hong, New Wide, Weixing, Bros Eastern, Jehong Textile,… cùng doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Cát Tường đã đầu tư sản xuất sợi, sản xuất vải, sản xuất phụ liệu, đầu tư nhà máy nhuộm, đầu tư khu công nghiệp sinh thái dệt may tại Việt Nam.
Mới đây, Quỹ Tín dụng Quốc gia Italy (CDP) cùng các doanh nghiệp nước này và Hiệp hội Máy dệt Đức (VDMA) cũng đã có cuộc tìm hiểu và kết nối giao thương với VITAS và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo ông Lê Tiến Trường, bên cạnh lợi thế và cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP mang lại, ngành Dệt May Việt Nam còn có lợi thế và cơ hội khi chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển nhiều hơn về Việt Nam do căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc. Mỹ siết chặt các quy định về chống lao động cưỡng bức tại khu vực Tân Cương (Trung Quốc).
EU cũng tham gia áp đặt các hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Do vậy, với tình hình địa-chính trị thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, việc các hãng thời trang tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam nhằm đa dạng nguồn cung ứng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, theo ông Trường, chi phí nhân công hiện không còn là lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Thay vào đó, việc trở thành nhà cung ứng bền vững mới là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng. Chuyển dịch sản xuất dệt may xanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón được các đơn hàng ổn định trong tương lai, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp. Vì các nhãn hàng vẫn ưu tiên lựa chọn các đối tác sản xuất có trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường.
Với hệ thống pháp luật về lao động, môi trường và doanh nghiệp tương đối hoàn thiện theo chuẩn quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi triển khai đánh giá mức độ tuân thủ đạo đức kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng trước khi hợp tác.
Ngoài ra, khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập được cải thiện, người tiêu dùng tiến bộ ở các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam sẽ quan tâm hơn đến sản phẩm xanh được sản xuất bởi các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường. Do đó, xu hướng trong trung và dài hạn vẫn sẽ hướng tới các sản phẩm xanh và bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng các công ty kiểm toán-chứng nhận của EU, Mỹ đổ vào Việt Nam để bắt kịp xu thế chuyển dịch đó. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam có thể học hỏi và tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này./.