Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long tái hiện văn hóa cung đình xưa

Nhằm bảo tồn, tôn vinh văn hóa của dân tộc và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" sẽ được tổ chức ở Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, ngày 6/6 tới.

Theo quan niệm xưa, ngày 5/5 Âm lịch là lúc thời tiết giao mùa, côn trùng sâu bọ phát triển nên tục "giết sâu bọ" trong ngày này bằng cách ăn trái cây đầu mùa như mận, vải... (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

“Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 6/6 tới, nhằm phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, giới thiệu những nét độc đáo của Tết Đoan Ngọ xưa đến người dân và du khách.

Chương trình gồm có các hoạt động trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.

Khu vực trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống tái hiện một cách chân thực, dung dị không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm, là những đồ gắn với Tết Đoan Ngọ theo quan niệm dân gian.

Khu trưng bày gợi nhớ đến hình ảnh hai phố cổ quen thuộc là Thuốc Bắc và Hàng Mụn. Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống, mua thảo dược về phòng bệnh...

Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng.

Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp vua quan, quý tộc và các loại quạt thông thường của người dân, đã giúp du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa.

Thời gian trưng bày từ ngày 1/6 tới tại Nhà 19C, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Điểm nhấn của chương trình là thực hành nghi lễ cung đình. Có thể nói, nghi lễ cúng tế tổ tiên và lễ ban quạt là hai nghi lễ đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và sự quan tâm đến bề tôi của nhà Vua.

Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, hằng năm cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên và Trung tâm Bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt.

Thực hành nghi lễ được tổ chức ngày 6/6 tại sân điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Hoạt động thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” không chỉ là tri thức phòng bệnh dân gian lâu đời của cha ông nhằm giải nhiệt, tiêu độc, bảo vệ sức khỏe con người trước thời tiết oi nực của mùa hè mà còn là nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam.

Tại đây, Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết sẽ giao lưu, trò chuyện giúp du khách và các bạn trẻ hiểu rõ hơn phong tục này. Hoạt động được tổ chức ngày 6/6 tại Lầu Bát giác, cổng Đông, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, trong chuỗi hoạt động còn diễn ra trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà cung đình. Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, Nguyễn Cao Sơn tổ chức các buổi trình diễn, giao lưu cùng du khách.

Các nghệ nhân sẽ chia sẽ những câu chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà đặc sắc... truyền tải tri thức, sự hiểu biết và niềm vui đến với du khách.

Chương trình diễn ra ngày 6/6 và ngày 9/6 tại Lầu Bát giác, cổng Đông, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu./.