Tây Ninh xanh: Môi trường sống hấp dẫn dựa trên hệ sinh thái bền vững và đa dạng

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, là nơi đáng đến và đáng sống.

Du lịch về nguồn trong khu rừng lịch sử Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những tiềm năng, lợi thế rất lớn của Tây Ninh để phát triển.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, là nơi đáng đến và đáng sống.

Đến năm 2050, Tây Ninh xanh - có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Tận dụng 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tăng tốc phát triển mang tính đột phá. Động lực phát triển lớn nhất của Tây Ninh là vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ, đặc biệt là hành lang kinh tế xuyên Á. Do đó, Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng.

Tây Ninh đang có kế hoạch, nhất là tận dụng thế mạnh cửa ngõ kết nối trực tiếp trung tâm kinh tế lớn nhất nước - Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước ASEAN, từ đó tạo nên cực tăng trưởng mới, hướng đến phát triển Tây Ninh xanh và bền vững.

Để đẩy mạnh liên kết, tỉnh Tây Ninh tập trung “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”, trong đó lấy liên kết vùng là động lực để Tây Ninh phát triển.

Đồng thời, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện, hướng đến thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nói, Tây Ninh sẽ tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài; triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở tỉnh.

Tây Ninh cũng tiếp tục nghiên cứu, tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ để huy động nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho vùng động lực, hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng liên vùng, liên huyện; hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp

Tỉnh tăng cường các chương trình hợp tác liên vùng, mở rộng hợp tác quốc tế với các địa phương lân cận Campuchia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì và thâm nhập thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, hướng tới những thị trường mới như Nam Mỹ, châu Phi…

Triển khai 7 đột phá chiến lược

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã kế thừa và phát huy các định hướng phát triển của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh.

Phương tiện nhập khẩu thông quan từ Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Đặc biệt, Quy hoạch này thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới đối với tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, để đạt được mục tiêu, tỉnh triển khai 7 đột phá chiến lược như đột phá về phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch và kinh tế dịch vụ.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc nêu rõ, với mục tiêu này, Tây Ninh lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới. Trong số đó, Tây Ninh xác định du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030, tập trung kêu gọi đầu tư và điểm nhấn là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã “lột xác”, trở thành cực tăng trưởng mới với vai trò dẫn dắt du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Những địa danh, thắng cảnh, công trình mang tính lịch sử như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng cũng sẽ là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Ngoài ra, một trong những tiềm năng đưa Tây Ninh phát triển sẽ là nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời khuyến khích phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, thu hút nhà đầu tư vào đầu tư khu, điểm du lịch, khu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Góc nhìn doanh nghiệp

Với mục tiêu Tây Ninh xanh, dưới góc nhìn của nhà đầu tư chiến lược chuỗi Tổ hợp dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng) tại Tây Ninh, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho rằng, đây là mục tiêu mà các nền kinh tế đang cố gắng đạt được.

Đỉnh núi Bà Đen hút khách du lịch với nhiều công trình gây dấu ấn. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Để làm được, Tây Ninh cần chủ động gia nhập thị trường quốc tế, tích cực xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm địa phương hướng đến đối tượng, thị trường mang lại giá trị gia tăng cao, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành thương mại dịch vụ vào GRDP.

Đặc biệt, tỉnh cần thay đổi tư duy từ sản xuất kinh doanh đơn thuần sang kinh tế tuần hoàn có giá trị gia tăng cao, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ.

Trong khi đó, nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, văn minh.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) nhận định, Tây Ninh là một tỉnh phát triển năng động, văn minh và có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Để cùng hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái, tổ chức trình diễn nghệ thuật, kiến tạo tác phẩm văn hóa nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách.

Ông cũng nhìn nhận, hệ thống giao thông hiện nay là một trở ngại, tỉnh chưa có đường cao tốc, chưa có sân bay, đường thủy kết nối sông Sài Gòn và đường thủy nội địa kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, trong thời gian tới SunGroup sẽ triển khai đầu tư phát triển, đồng bộ hệ thống giao thông kết nối, trong đó có cao tốc Gò Dầu-Xa Mát, Đại lộ ven sông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh- Tây Ninh./.