Tây Ninh: Sớm tháo gỡ khó khăn trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 sẽ được trình UBND tỉnh Tây Ninh xem xét trong tháng 7/2024.
Để khắc phục căn cơ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã xây dựng Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng về hoạt động của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Đề án này sẽ được trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét trong tháng 7/2024.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết khó khăn lớn nhất của ngành tế hiện nay là các đơn vị khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập đang thực hiện tự chủ tài chính nhưng khi tính toán tỷ lệ tự chủ tài chính lại dựa trên cơ sở giá khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.
Do đó, nguồn thu không đảm bảo. Nhiều cơ sở y tế công lập đang trong tình trạng nợ đọng nên gặp nhiều khó khăn.
Sau khi được duyệt, Sở sẽ triển khai rất nhiều nội dung như đào tạo nhân lực, chuyển đổi số ngành y tế, xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức lại trạm y tế theo hướng bố trí lại thiết bị, nhân lực phù hợp, không có tình trạng cào bằng như hiện nay.
Ngành y tế tỉnh sẽ tổ chức lại Trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chuyển giao về cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý, tổ chức các bệnh viện khu vực.
Sáu tháng cuối năm 2024, Sở Y tế sẽ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh Đề án thiết lập hệ thống bệnh án điện tử; trình thông qua 3 nghị quyết gồm: Khám, chữa bệnh cho người nghèo; Giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế; Nội dung chi và mức chi cho công tác y tế dân số.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm còn rất nặng nề trong ngành y tế. Điều này dẫn đến tình trạng ai được phân công đều né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Ngoài ra, giữa ngành y tế (các bệnh viện, trung tâm y tế) và bảo hiểm y tế còn bất cập trong thanh toán, quyết toán, dẫn đến một số cơ sở y tế đấu thầu thuốc xong lại phát sinh mâu thuẫn không thể quyết toán. Từ đó, mất cân đối nguồn kinh phí chi trả cho việc mua sắm thuốc và vật tư y tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ lần thứ 37, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành y tế; nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; sớm ban hành và triển khai Đề án củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động y tế công.
Ngành y tế tỉnh cần giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay về thuốc và vật tư y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở công lập.
Bác sỹ Lâm Duy Tân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) cho biết vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị của đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện.
Bởi vì, để chẩn đoán đúng bệnh, ngoài việc khám lâm sàng, cận lâm sàng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, các cơ sở y tế, bệnh viện cần có đủ vật tư y tế để điều trị đạt hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân. Từ đó, hạn chế được việc bệnh nhân phải chuyển lên tuyến cao hơn điều trị.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, bác sỹ Chuyên khoa II Đỗ Hồng Sơn cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thiếu thuốc là trong công tác đấu thầu.
Hệ thống pháp luật về đấu thầu thay đổi, nhưng việc hướng dẫn triển khai Luật Đấu thầu còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, nguồn nhân lực của ngành Y tế rất hạn chế, tình trạng cán bộ bỏ việc vẫn đang diễn ra.
Nhân viên y tế và Sở Y tế chưa có nhiều kinh nghiệm do vừa làm chuyên môn vừa thực hiện công tác đấu thầu nên ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu thuốc.
Ngoài ra còn có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; nhiều nhà thầu thuốc không muốn tham gia thầu; tồn tại công nợ thuốc ở một số cơ sở y tế, trung tâm y tế tuyến huyện nên một số nhà thầu không đồng ý cung cấp thuốc mới.
Đối với những khó khăn, bất cập trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhận định hiện tỉnh chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc trong hệ thống y tế công, do tính đặc thù của ngành Y tế và trong đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Việc đấu thầu thuốc của ngành Y tế rất đa dạng về chủng loại và số lượng, kinh phí rất lớn dẫn đến việc thực hiện các thủ tục mất rất nhiều thời gian, lặp đi lặp lại… Thủ tục đấu thầu thời gian qua có cải tiến nhưng vẫn còn phức tạp, phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện trong khi hiện rất thiếu các đơn vị có năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu./.