Tạo thuận lợi về chính sách, pháp luật đối với người Việt ở nước ngoài
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài.
Chiều 13/1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.
Cùng tham dự có lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và hơn 100 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào mừng và chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và đại biểu dự tọa đàm.
Thông báo khái quát tình hình đất nước trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng, chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế...
Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỷ USD. Dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6-4,5% trong năm tiếp theo.
["Tăng tốc" thực hiện toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài]
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết quán triệt tinh thần “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước," thời gian qua, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan liên quan cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến góp ý, đồng thời trao đổi thấu đáo, thỏa đáng các vấn đề đại biểu nêu, sau tọa đàm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cuộc tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu nêu rõ triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai rà soát chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau như lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong nước, các Hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật; tổ chức các tọa đàm với đồng bào Việt Nam tại các nước...
Trong năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức thành công hai cuộc tọa đàm: tọa đàm về chính sách pháp luật, trọng tâm là quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại 7 nước châu Âu (đại diện là các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Séc). Nhiều ý kiến của bà con đã được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét, tiếp thu.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở có liên quan đến việc người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà, sử dụng đất ở Việt Nam.
Các đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài cũng nêu ý kiến của đồng bào ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Kết luận Toạ đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, các vấn đề được đại biểu nêu đều rất sát sườn với Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác người Việt Nam ở nước ngoài sát với thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau tọa đàm, đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu đã tham quan Nhà Quốc hội và Khu trưng bày Khảo cổ học dưới lòng đất của tòa Nhà Quốc hội./.