Tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí
Phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức đã diễn đúng vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022).
Sau 1 năm thực hiện, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Phong trào đã góp phần giúp các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo đối với xã hội.
Hướng đến xây dựng cơ quan báo chí kiểu mẫu về văn hóa
Nhận định về việc thực hiện phong trào trong một năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động.
Nhiều cơ quan báo chí xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết, như việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số rất ít nhà báo.
Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo dân chủ, đoàn kết, minh bạch.
Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, tòa soạn văn hóa, xanh-sạch-đẹp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo..., hướng tới xây dựng cơ quan báo chí trở thành đơn vị kiểu mẫu về văn hóa...
Thời gian qua, Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tích cực, lan tỏa rộng rãi, từng bước xây dựng Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam trở thành một mái nhà thực sư đoàn kết, ấm áp, đầy chất văn hóa.
Nhà báo Hà Thị Hồng Sâm, Thư ký Chi hội Báo Nhà báo và Công luận - Liên chi hội Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Hơn một năm qua, 5 Chi Hội thuộc Liên Chi hội đã quyết liệt biến những cam kết thành hành động thực tế.
Trong hoạt động của từng đơn vị, 12 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa đã được cụ thể hóa và thấm nhuần vào từng nhiệm vụ trong tâm trong năm.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" ở các chi hội thuộc Liên Chi hội đã trở thành tiêu chí thi đua trong sinh hoạt của các hội viên, người làm báo.
Bên cạnh đó, trong công tác thông tin tuyên truyền về phong trào này đã được các chi hội thuộc Liên Chi hội hết sức coi trọng nhằm phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa báo chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, để phong trào lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam - với vai trò quan trọng trong việc định hướng, triển khai mọi hoạt động lớn của Hội Nhà báo Việt Nam - tiếp tục là đơn vị đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa thi đua xây dựng văn hóa báo chí với những hành động thực chất, cụ thể hơn nữa.
Tại nhiều tạp chí, việc xây dựng môi trường văn hóa cũng được chú trọng, tăng cường.
Phó tổng biên tập Tạp chí Cơ khí, Phó Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Cơ khí Việt Nam, chia sẻ: Ngày 21/4/2023, Tạp chí Cơ khí Việt Nam cùng các Tạp chí Người làm báo, Tạp chí Giao thông Vận tài đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn và Lễ ký kết thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam."
Diễn đàn được xem là cơ hội để các cơ quan báo chí thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng, vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn báo chí, qua đó tạo giá trị văn hóa của những người làm báo.
Đồng thời, 13 đơn vị tạp chí đã thực hiện ký kết thi đua "xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam."
Căn cứ vào bản cam kết, Tạp chí Cơ khí Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phấn đấu hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả ấn phẩm tạp chí in cũng như tạp chí điện tử; 100% phóng viên, biên tập viên được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ báo chí, 100% cán bộ được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, 100% hội viên không vi phạm Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đạt mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo.
Tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện phong trào
Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Thành Nam nêu rõ: Thực tế trong hơn một năm qua cho thấy cùng với Quy định về Đạo đức Nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trước đó, chủ trương "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đã được các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng, các cấp hội nhà báo ở các địa phương nhiệt tình thực hiện và triển khai hiệu quả.
Từ thực tế phát động, ký kết triển khai phong trào tại Liên chi hội nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy phong trào đã có sự lan tỏa; tuy nhiên, để phong trào triển khai một cách thực chất, hiệu quả sự chủ động, nỗ lực của cấp chi hội là chưa đủ.
Nhà báo Phan Thanh Nam kiến nghị các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài mà ở đó phải có sự vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, ban biên tập.
Nội dung này không chỉ sinh hoạt ở chi hội, còn được lồng ghép trong buổi sinh hoạt chi bộ. Đưa nội dung tiêu chí vào nội quy hoạt động, quy trình tác nghiệp của cơ quan, tiêu chuẩn bình xét thi đua, có đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời.
Cam kết chỉ là văn bản "chết" nếu thiếu các môi trường cần thiết. Ở đó, cần sự vào cuộc và đồng lòng của toàn thể cán bộ, phóng viên trong cơ quan. Trong đó cần đề cao danh dự của mỗi hội viên, phóng viên thực sự thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất," đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo.
Điều này hết sức cần thiết trong nền kinh tế thị trường và kinh tế báo chí đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Mọi cam kết, nỗ lực của cả tập thể sẽ vô nghĩa khi chỉ có một cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật...
Tựu chung, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí cần được đặt trong các mối quan hệ tổng hòa để tạo thành sức mạnh tổng hợp, trong đó chú trọng xây dựng nhà báo có nhân cách, trọng danh dự; xây dựng môi trường môi trường văn hóa báo chí lành mạnh, nội bộ đoàn kết, đề cao văn hóa trong ứng xử và lối sống, hướng tới nền báo chí "Chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Nhà báo Phan Thành Nam nêu ý kiến.
Là một trong những tỉnh đầu tiên hưởng ứng phong trào, sau một năm thực hiện có thể thấy văn hoá của các cơ quan báo chí và của đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những đổi mới tích cực. Để phong trào tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm kiến nghị: Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí ở Trung ương, cụ thể là Hội Nhà báo Việt Nam cần ban hành quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp hội, các cơ quan báo chí bám sát vào xây dựng thang điểm chấm, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách và việc chấm điểm thi đua sẽ không đồng bộ...
Việc triển khai phong trào thi đua "xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa" thành công, đi vào chiều sâu sẽ tránh việc các phóng viên, hội viên viết trên báo một đằng, phát ngôn trên mạng xã hội lại một nẻo, tránh được sơ suất nhỏ, hậu quả lớn.
Các cơ quan báo chí sẽ đoàn kết, xốc lại đội ngũ của mình, mỗi một thành viên, người làm báo sẽ thấy trách nhiệm trong xây dựng cơ quan báo chí đáp ứng theo đúng môi trường văn hóa vốn có trước đây mà bây giờ đang được kiện toàn, tổ chức lại cho phù hợp...
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm nêu ý kiến và hy vọng việc tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa" từ Trung ương tới cơ sở thống nhất, quyết liệt hiệu quả sẽ hạn chế được các vi phạm. Nếu có thể, vấn đề này cần được quy định bằng luật hoá trong Luật Báo chí đang được sửa đổi tới đây.
Bằng sự nỗ lực, tích cực từ những việc làm, hoạt động cụ thể, thiết thực của các cơ quan báo chí, các cấp hội và đội ngũ những người làm báo, sẽ có chuyển biến trong thời gian tới khi tích cực thực hiện xây dựng môi văn hóa trong các cơ quan báo chí và hoạt động báo chí, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm tin tưởng./.