Tạo 'sức bật' cho công nghiệp văn hóa phát triển trong đời sống xã hội
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo động lực phát triển văn hóa thành ngành kinh tế của nước ta trong thời gian tới.
Tầm nhìn và mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Chính phủ đặt ra rất rõ ràng, chẳng hạn đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động.
Thế nhưng, các chuyên gia văn hóa còn nhiều băn khoăn về số liệu thống kê bởi cho đến nay, Việt Nam chưa có một bộ chỉ số thống kê rõ ràng về dữ liệu ngành, nguồn thu…, mà đã là ngành kinh tế thì phải dựa trên số liệu.
Vấn đề này đã được nêu ra tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì ngày 20/12.
‘Vịn’ vào dữ liệu để bước đi
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện ngành văn hóa đang dùng số liệu ước tính. Chúng ta thiếu một trung tâm dữ liệu toàn diện.
“Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đều có ‘sách xanh’ xuất bản hàng năm, công bố các số liệu của ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Muốn thúc đẩy công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế, Việt Nam phải có trung tâm dữ liệu để nhìn vào đó, chúng ta có những bước đi vững vàng hơn. Những giải pháp căn cơ thúc đẩy vòng tuần hoàn công nghiệp văn hóa phải dựa vào thực tế,” bà Phương nói.
Bà Phương cho rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, sẽ là hai điểm sáng, là động lực để các địa phương trên cả nước tìm được mô hình phát triển. Theo đó, Hà Nội cần có báo cáo đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô vào % GDP, để thúc đẩy được con số của cả nước.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Tom Flemming, chuyên gia từ Hội đồng Anh cũng khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu.
“Thông tin đầu vào sẽ là cơ sở đánh giá thực trạng của ngành, biến chiến lược thành khuôn khổ pháp lý thay vì những đánh giá chung chung. Căn cứ vào dữ liệu thu thập được sẽ giúp Nhà nước đánh giá sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa theo thời gian và giúp xây dựng, đánh giá chất lượng phát triển của các ngành này,” Tiến sỹ Tom Flemming.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng hiện nay chúng ta mới thống kê nguồn thu của ngành điện ảnh dựa trên số lượng vé bán ra, con số này là không đầy đủ để “vẽ” nên diện mạo của ngành.
Theo bà Lan, cần phải thống kê nguồn thu từ những dịch vụ khác như bỏng, nước, đồ lưu niệm liên quan đến bộ phim và các sản phẩm phái sinh khác.
Bà Lan nói thêm rằng công nghiệp văn hóa Việt Nam còn thiếu tính biểu tượng, sự tập trung và cơ chế.
“Nói đến công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, người ta chỉ dùng một chữ Hallyu (làn sóng Hàn Quốc), với Nhật Bản có anime (phim hoạt hình), manga (truyện tranh), với Mỹ là Hollywood... Chúng ta cũng cần tìm ra một biểu tượng cho công nghiệp văn hóa Việt Nam,” bà Lan nói.
Khi đã có biểu tượng, Nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh đầu tư dàn trải. Về cơ chế, theo Tiến sỹ Ngô Phương Lan, cần xây dựng rõ cơ chế hợp tác công tư bởi nếu không có hợp tác công tư không thể làm công nghiệp văn hóa.
Tạo 'sức bật' cho công nghiệp văn hóa
Tại hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu ra một số góp ý cho sự phát triển ngành, cụ thể cần đưa ra đề xuất về giá trị độc đáo hấp dẫn cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam - một tầm nhìn, sứ mệnh và một số giá trị chiến lược.
Thứ hai, tập trung tìm cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, giữa khu vực công và tư.
Thứ ba, cần có cơ chế hợp tác công tư (PPP) mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và đẩy nhanh điều này với các hoạt động mới như: Mạng lưới các ngành công nghiệp văn hóa và Nhóm tư vấn đầu tư và doanh nghiệp sáng tạo; cải cách Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá cao những ý kiến góp ý tại hội thảo, khẳng định nhiều ý kiến hay, gợi mở nhiều vấn đề cho Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc của những người trực tiếp thực hiện công nghiệp văn hóa.
Theo Thứ Trưởng Hồ An Phong, việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta trong thời gian tới.
Để dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đạt kết quả đề ra, Chiến lược cũng xác định tập trung phát triển có trọng tâm vào 5 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; phần mềm và các trò chơi giải trí; du lịch văn hóa.
“Mục tiêu đặt ra là tăng cường vị thế của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong đời sống kinh tế xã hội. Làm thế nào để thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; làm thế nào để huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực, nguồn lực ở đây không phải chỉ hiểu đơn giản là vật chất, nguồn lực. Vì vậy, cần phải xác định một số ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, có những chủ trương, chính sách, có những cơ chế cụ thể, có những nguồn lực nhất định, để thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mạnh hơn nữa,” Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ./.