Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết mục tiêu đặt ra là phấn đấu tạo ra nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ, thực sự là Chính phủ kiến tạo.

Phòng một cửa tại Ủy ban Nhân dân xã Quảng Nghiệp huyện Tứ Kỳ ứng dụng công nghệ thông tin trong Cải cách thủ tục hành chính ở xã. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Sáng 26/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến với các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông; và 8 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh) về kết quả triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính 10 tháng năm 2024.

Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết cuộc họp nhằm kiểm đếm lại những việc đã làm và đôn đốc, thúc đẩy nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.

Cải cách hành chính là vấn đề mà Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Trong nghị quyết của 6 kỳ đại hội đều đặt ra vấn đề cải cách hành chính. Nội hàm của cải cách hành chính rất rộng.

Theo quan niệm của Liên hợp quốc, cải cách hành chính là những nỗ lực của Chính phủ, của Nhà nước để đổi mới những thành tố tạo nên nền hành chính, bao gồm thể chế hành chính, bộ máy hành chính, công chức hành chính, thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở cho việc thực thi nền hành chính (trong điều kiện hiện nay là hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin), sự tham gia của công chúng vào việc thực thi và kiểm tra, giám sát nền hành chính. Một nền hành chính tốt thì 6 thành tố này phải tốt.

Nhấn mạnh nội dung của cuộc họp là bàn về thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy đã ban hành, việc thực thi các kế hoạch cải cách hành chính trên thực tế có tạo thuận lợi cho người dân không, Phó Thủ tướng cho biết mục tiêu đặt ra là phấn đấu tạo ra nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ, thực sự là Chính phủ kiến tạo.

Xây dựng nền hành chính thông thoáng, thuận lợi, kiến tạo là chỉ đạo rất quyết liệt của Đảng và điều này cũng đánh giá năng lực cầm quyền của Đảng. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương có đề xuất kiến nghị vĩ mô về công tác cải cách hành chính, tháo gỡ những điểm nghẽn.

“Chúng ta càng nói thực chất, thẳng thắn thì chỉ đạo càng sát với thực tiễn. Nếu chỉ nói màu sắc tích cực thì không tháo được điểm nghẽn. Nhận diện được điểm nghẽn, hạn chế thì sẽ khắc phục được,” Phó Thủ tướng nói.

Cán bộ của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân cách kê khai các thủ tục cần thiết để làm các loại giấy tờ liên quan. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết thêm các nội dung khác trong cải cách hành chính đang được nỗ lực thay đổi, ví dụ vấn đề bộ máy.

Hôm qua (25/11) Trung ương đã họp và có nghị quyết rất quan trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có cuộc nói chuyện về chủ đề kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh và những vấn đề phải làm, trong đó có việc tinh gọn bộ máy như một cuộc cách mạng về công tác tổ chức bộ máy.

Thời gian tới, Bộ Chính trị, Trung ương sẽ tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, làm sao trọng dụng được người tài, khuyến khích được cán bộ, công chức cống hiến, phục vụ nhân dân. Đó cũng là những thành tố để tạo nên nền hành chính đổi mới, được cải cách.

Công bố thủ tục hành chính chưa kịp thời, đầy đủ

Báo cáo của Tổ công tác do ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên thường trực Tổ công tác trình bày cho thấy, về cải cách quy định thủ tục hành chính, Bộ Quốc phòng đã đánh giá tác động 10 thủ tục hành chính tại 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tác động 99 thủ tục tại 5 dự thảo.

Đối với các địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá tác động, thẩm định 22 thủ tục tại 28 dự thảo văn bản; Đà Nẵng đánh giá tác động, thẩm định 5 thủ tục tại 3 dự thảo văn bản, trong đó đã ban hành 2 văn bản quy định 3 thủ tục hành chính tại Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố.

Tây Ninh đánh giá tác động, thẩm định và ban hành 2 thủ tục hành chính đặc thù. Hải Dương đánh giá tác động thủ tục hành chính trong 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các địa phương còn lại không phát sinh việc đánh giá tác động, thẩm định đối với thủ tục hành chính quy định tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Về cắt giảm quy định kinh doanh (chỉ tiêu năm 2024 là 10% đối với bộ, cơ quan đạt dưới 15% trong giai đoạn 2022-2023; 5% đối với bộ, cơ quan đạt từ 15% trở lên giai đoạn 2022-2023), Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục, còn 24 thủ tục chưa đơn giản hóa (trong đó, 9 thủ tục tại các văn bản do Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và 15 thủ tục do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung 3 nghị định).

Bộ Thông tin và Truyền thông cắt giảm, đơn giản hóa 101/202 quy định kinh doanh tại 9 văn bản quy phạm pháp luật, còn 101 quy định kinh doanh chưa thực thi (các phương án vẫn còn thời hạn thực thi đến hết năm 2025).

Bộ Ngoại giao không có phương án thực thi cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư liên quan đến Đề án 06, ông Ngô Hải Phan cho biết Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 30/52 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

Hiện còn 22 thủ tục quy định tại 1 nghị định và 6 thông tư liên tịch, Bộ đang xây dựng để thực thi phương án.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 48/68 thủ tục tại 9 văn bản quy phạm pháp luật, còn 20 thủ tục chưa thực thi (trong đó không có phương án thực thi quá hạn).

Bộ Ngoại giao đã cắt giảm, đơn giản hóa 25 thủ tục theo phương án tại Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.

Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao còn 6 thủ tục chưa thực thi, đã quá hạn.

Về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Quốc phòng đã phân cấp 33/40 thủ tục (7 thủ tục còn lại Bộ đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân cấp 23/66 thủ tục tại 3 văn bản quy phạm pháp luật, còn 43 thủ tục chưa thực thi (có 4 thủ tục đang thực thi quá hạn do phải thực hiện theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ; 39 thủ tục vẫn còn thời hạn đến hết năm 2025).

Bộ Ngoại giao chưa hoàn thành việc thực thi phương án phân cấp đối với 2 thủ tục hành chính tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg về tổ chức quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế.

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã tích cực thực hiện phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính như: Hà Nội tiếp tục thực hiện phương án ủy quyền đối với 518 thủ tục.

Đà Nẵng đã ủy quyền cho Sở Ngoại vụ thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế; ủy quyền 41 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo. Cần Thơ thực hiện phương án ủy quyền đối với 126 thủ tục.

Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Tổ công tác, hiện nay, Bộ Quốc phòng còn 7 thủ tục hành chính phân cấp chưa thực thi (có 2 thủ tục quá hạn ); Bộ Thông tin và Truyền thông còn 43 thủ tục chưa thực thi; Bộ Ngoại giao còn 2 thủ tục chưa thực thi (quá hạn).

Các bộ, địa phương đã ban hành quyết định công bố thủ tục, danh mục thủ tục hành chính và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc công bố, công khai thủ tục hành chính tại các bộ, địa phương còn chưa kịp thời, đầy đủ, như Bộ Ngoại giao, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh.../.