Tạo đột phá trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-châu Phi
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ mong muốn Việt Nam và châu Phi tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, tạo đột phá trong quan hệ hợp tác song phương.
Nhân dịp các Đại sứ không thường trú các nước châu Phi vào Việt Nam tham dự Lễ trình thư ủy nhiệm lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 18/9, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã gặp mặt và làm việc với Đoàn Đại sứ các nước châu Phi với chủ đề "Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-châu Phi."
Tham dự buổi làm việc có 8 Đại sứ, Đại biện Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và 8 Đại sứ không thường trú các nước châu Phi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chúc mừng các Đại sứ không thường trú vừa trình thư ủy nhiệm lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bày tỏ vui mừng khi được gặp gỡ 16 đại diện ngoại giao của các quốc gia bạn bè châu Phi.
Trong không khí thân tình, cởi mở, Thứ trưởng giới thiệu với các Đại sứ về lịch sử của Nhà khách Chính phủ, di tích gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho sự gắn kết lịch sử và các bước phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-châu Phi.
Thứ trưởng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác Việt Nam-châu Phi trong thời gian qua, trong đó dấu ấn quan trọng là việc Việt Nam chính thức trở thành Quan sát viên của Liên minh châu Phi (AU) từ tháng 12/2023 và đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ các nước châu Phi triển khai Chương trình Nghị sự 2063 của AU trên các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp, phát triển sơ sở hạ tầng số, giáo dục và đào tạo...
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Phòng trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ...; đề nghị các nước châu Phi ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng nhân quyền, Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc...
Đánh giá cao tiềm năng của châu Phi, với hơn 50 quốc gia, tổng dân số hơn 1,4 tỷ người, GDP hơn 3.000 USD, Thứ trưởng nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi tuy phát triển tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của nhân dân hai bên.
Thứ trưởng đề xuất các Đại sứ tích cực phát huy vai trò cầu nối, tăng cường phối hợp trong đề xuất, triển khai các kế hoạch hợp tác cụ thể trong thời gian tới để tạo chuyển biến trong hợp tác thương mại, thu hút đầu tư.
Các Đại sứ, Đại biện các nước châu Phi bày tỏ đoàn kết và chia buồn với Việt Nam trước những thiệt hại, mất mát to lớn do bão Yagi gây ra; ngưỡng mộ lịch sử đấu tranh hào hùng cũng như các thành tựu phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Các đại biểu đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi làm việc với các Đại sứ châu Phi, qua đó giúp các Đại sứ, Đại biện có cơ hội kết nối, chia sẻ sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-châu Phi trong thời gian tới.
Trên cơ sở quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp, các Đại sứ, Đại biện các nước châu Phi khẳng định ủng hộ Việt Nam thúc đẩy hợp tác với AU, các Cộng đồng Kinh tế khu vực (RECs) nhằm đóng góp cho sự phát triển chung của châu lục, đặc biệt trên các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh; chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp...
Về kinh tế, nhiều ý kiến nêu tại Hội nghị bày tỏ mong muốn Việt Nam tận dụng tốt cơ hội của Hiệp định thương mại tự do toàn châu Phi (AfCFTA), khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường chung châu Phi; đề xuất hai bên thúc đẩy giao lưu giữa các phòng thương mại công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp hai nước và giao lưu nhân dân, tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Nhiều Đại sứ đề nghị doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi để tận dụng nguồn nhân lực trẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt và các Đại sứ nhất trí cần tiếp tục phát huy nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, các điểm tương đồng, chia sẻ các giá trị chung, tăng cường trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa, du lịch nhằm thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, tạo nền tảng mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam-châu Phi trên các lĩnh vực.
Để tạo đột phá cho hợp tác song phương trong giai đoạn tới, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nông nghiệp, tích cực tìm kiếm nguồn lực của bên thứ ba nhằm triển khai các dự án hợp tác ba bên về nông nghiệp, giáo dục đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đàm phán, ký kết các Hiệp định quan trọng như tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, thiết lập các cơ chế hợp tác như tham vấn chính trị; tích cực tìm kiếm, bổ nhiệm lãnh sự danh dự tại mỗi nước./.