Tạo điều kiện để cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoạt động hiệu quả

Tại buổi gặp gỡ cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan đại diện hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết trong bối cảnh quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển, Đại sứ quán đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.

Đại sứ quán chú trọng mọi lĩnh vực công tác không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả kinh tế, lao động, khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa-nhân dân.

Ngoại giao kinh tế là trọng tâm công tác của Đại sứ quán, đạt nhiều kết quả tích cực với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ,” hỗ trợ các đoàn Việt Nam sang Nhật Bản và đoàn Nhật Bản thăm Việt Nam; tổ chức các hội thảo, hội chợ hàng Việt Nam.

Đại sứ quán cũng chú trọng thúc đẩy ngoại giao văn hóa với phương châm “ở đâu có người Việt Nam, ở đó có Lễ hội Việt Nam,” tổ chức nhiều lễ hội lớn tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, Đại sứ quán đã nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục hành chính cho công dân.

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Việt Nam-Nhật Bản có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời; năm 2023, hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả, thực chất hơn trên các lĩnh vực.

Thông tin với bà con một số nét chính về tình hình trong nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ mặc dù năm 2024 đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) gây ra nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 7%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt. Công tác đối ngoại được tăng cường. Vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ đất nước đang phải đối mặt với 3 điểm nghẽn, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn.”

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội đang tập trung giải quyết điểm nghẽn về thể chế. Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách…

Quốc hội cũng đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam với tổng số vốn khoảng 67 tỷ USD; tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Ghi nhận, biểu dương nỗ lực, cố gắng của Đại sứ và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán thời gian qua, đóng góp tích cực vào quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tiếp tục đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động hiệu quả.

Tháng Tư vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhất trí với chủ trương và nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2019/NĐ-CP ngày 23/1/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ và tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng; quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà ngành Ngoại giao đã đặt ra; góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cán bộ, nhân viên Đại sứ quán phối hợp triển khai thực hiện công tác ngoại giao nghị viện Việt Nam-Nhật Bản; tiếp tục quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ bà con trong các lĩnh vực cư trú, làm ăn, kinh doanh, học tập./.