Tạo cơ hội để người cao tuổi tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế-xã hội

Để biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội, TP Hồ Chí Minh cần lên kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng để phát huy năng lực, vai trò của người cao tuổi - lực lượng được coi là “vốn quý” của đất nước.

Người cao tuổi làm công việc dọn dẹp vệ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Để hạn chế mặt tiêu cực của tiến trình già hóa dân số, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh cần thích ứng linh hoạt và tạo cơ hội để người cao tuổi tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế-xã hội.

Điều này không chỉ giúp đảm bảo cuộc sống của người cao tuổi mà còn khẳng định vai trò, vị thế của họ đối với sự phát triển của thành phố, đất nước.

Không coi người cao tuổi là gánh nặng

Nghỉ hưu được 5 năm, bà Lê Thị Hường (ngụ Quận 3) bắt đầu tham gia vào đội ngũ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở khu phố. Công việc của bà hằng ngày là tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh, thu thập thông tin trẻ cư trú trên địa bàn, các hoạt động y tế công cộng khác do trạm y tế phường tổ chức.

“Kể từ ngày tham gia vào đội ngũ cộng tác viên, tôi bận rộn hơn nhưng rất vui. Công việc cũng không vất vả, không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng hay sức lực. Quan trọng hơn, tôi cảm thấy mình vẫn còn có ích,” bà Hường chia sẻ.

Theo Thạc sỹ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa-Xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều người cao tuổi đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm. Do đó, cần “tận dụng” lực lượng lao động này, giúp họ trở thành đội ngũ cộng tác viên cho các đơn vị, cơ quan trong khu vực Nhà nước và tư nhân.

Theo ông Thành, việc người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động đã có từ lâu nhưng mới chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định và còn mang tính tự phát, cá nhân.

“Để phát huy hết vai trò, năng lực của người cao tuổi, cần phát triển việc này một cách có hệ thống, bài bản và quy chuẩn. Nếu tận dụng được đây cũng là lực lượng lao động chất lượng cao tạo ra của cải vật chất đáng kể cho nền kinh tế,” ông Thành đề xuất.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần thay đổi quan niệm, thái độ xã hội về già hóa dân số và người cao tuổi.

“Chúng ta cần nhìn nhận người cao tuổi không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội, là gánh nặng của xã hội mà người cao tuổi là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội,” Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập nêu quan điểm và đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi với tinh thần phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, phù hợp, thích ứng với già hóa dân số; trong đó tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp tục làm việc, cống hiến theo năng lực, sức khỏe của mỗi người.

Khám sức khỏe tổng quát miễn phí cho người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Cần xem xét xây dựng một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho người cao tuổi, gồm cả trợ cấp xã hội và lương hưu cho họ.

Riêng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội, thành phố cần có chính sách tạo cơ hội việc làm, phát triển kỹ năng cho họ như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi. Thậm chí khuyến khích người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh doanh nhỏ bằng các hình thức như mở lớp đào tạo kỹ năng miễn phí, cho vay vốn ưu đãi…

Phát triển ngành kinh tế mới thích ứng già hóa dân số

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đang bước nhanh vào già hóa dân số nhưng Thạc sỹ Lê Văn Thành cho rằng các chương trình hành động vì người cao tuổi mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Nhìn sang các nước có dân số già như Nhật Bản, ông Thành nêu vấn đề phát triển ngành kinh tế mới phục vụ người cao tuổi. Bởi họ cũng có những nhu cầu riêng và cần phải thúc đẩy các ngành nghề kinh tế phục vụ nhu cầu này.

Ở Nhật Bản và các quốc gia khác đã xây dựng thành công nền công nghiệp dành cho người cao tuổi với khái niệm “kinh tế bạc,” trong đó có nhiều trung tâm dịch vụ cho người cao tuổi, nghiên cứu phát triển sản phẩm dành riêng cho người già…

Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nên bắt đầu phát triển các lĩnh vực chăm sóc, phục vụ người già như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ thiết yếu khác…

Về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, theo Thạc sỹ Lê Văn Thành, nên chuyển dần từ gia đình sang xã hội và rất cần chung tay của Nhà nước cũng như kêu gọi sự tham gia các nguồn lực xã hội khác.

Trong đợt COVID-19 vừa qua đã bộc lộ vấn đề, nhiều người cao tuổi, nhất là người già yếu không có người chăm sóc. Trong khi đó, viện dưỡng lão vẫn là nơi đại đa số người cao tuổi chưa tiếp cận được.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có 8 đơn vị công lập chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi lang thang, không có địa chỉ rõ ràng và 12 cơ sở tư nhân nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi có thu phí với khoảng hơn 2.600 người đang được nuôi dưỡng.

Chăm sóc người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Tâm An, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là để vào được các viện dưỡng lão, người cao tuổi và gia đình phải chi trả chi phí không nhỏ.

Để giảm chi phí phù hợp hơn với mặt bằng chung của người cao tuổi, Thạc sỹ Lê Văn Thành cho rằng, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, mặt bằng, vay vốn… đối với đơn vị tư nhân tham gia vào dịch vụ nhà dưỡng lão.

Ông cũng đề xuất thành phố nên dành quỹ đất xây dựng một khu phức hợp dành cho người cao tuổi tại huyện đảo Cần Giờ, kêu gọi sự chung tay tham gia của đơn vị tư nhân và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp.

“Nên xem sự hỗ trợ này như là một phần trong chính sách an sinh xã hội thích ứng linh hoạt với quá trình già hóa dân số,” ông Thành nêu quan điểm.

Thạc sỹ Lê Văn Thành nhìn nhận, già hóa dân số là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Các giải pháp cần được thành phố lên kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng làm sao vừa giảm thiểu áp lực già hóa dân số lên nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội vừa phát huy năng lực, vai trò của người cao tuổi - lực lượng được coi là “vốn quý” của đất nước./.

Bài 1: Gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và y tế