Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có đột phá nhưng vẫn xa mục tiêu
Dù trong 3 tuần đầu của tháng 12 tín dụng đã tăng gần 2% và tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 11,09% nhưng con số này vẫn khá xa mục tiêu của năm nay là 14%-15%/năm.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 4 do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,85%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% (cùng thời điểm năm trước tăng 5,99%).
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong 3 tuần đầu tháng 12, tín dụng tăng gần 2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 11 tháng đầu năm là 0,83%. Mặc dù vậy con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng thời điểm năm trước là 12,87% và còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là từ 14%-15%.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện chính sách tín dụng an toàn, lành mạnh, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm làm cho mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm mạnh trong những tháng cuối năm nhưng tình trạng dư thừa vốn tại các ngân hàng thương mại vẫn đang diễn ra.
Tình trạng này trái ngược hoàn toàn với diễn biến của các năm trước khi ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động để tìm kiếm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp trong các tháng cuối năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan, như đầu tư, sản xuất, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.
Khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp ngành này trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 21% tổng tín dụng chung). Trong 11 tháng qua, tín dụng cá nhân mua nhà (chiếm hơn 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản) sụt giảm.
Cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo việc nới room cho các ngân hàng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo, thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022 đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Gần hết tháng 12 nhưng các ngân hàng vẫn chưa dừng việc giảm lãi suất, tiền gửi người dân vào ngân hàng tăng kỷ lục trong năm nay.
Nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV) dẫn đầu về giảm lãi suất huy động. Ngày 28/12, ngân hàng Agribank giảm lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu tháng 12. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,2% chỉ còn 2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại.
Trước đó ngày 22/12, Agribank giảm 0,5% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng, đồng thời giảm mạnh 0,8% kỳ hạn 3-5 tháng và giảm 0,6% kỳ hạn 6-9 tháng.
Hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12-24 tháng.
Thực tế, mức lãi suất huy động các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử tại các kỳ hạn. Thống kê cho thấy, mức huy động 12 tháng trung bình toàn hệ thống hiện ở ngưỡng 5%, giảm mạnh từ mức 6,2% vào trung tuần tháng 8. Kỳ hạn ngắn hạn cũng chứng kiến các mức giảm đáng kể.
Cũng theo các chuyên gia, dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tăng cao, phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán... sau loạt sự kiện vừa qua./.