Tăng trưởng nhu cầu xăng trên toàn cầu có thể giảm 50% trong năm nay
Với mức tăng thấp nhất kể từ năm 2020, nhu cầu có thể tăng 340.000 thùng/ngày, lên 26,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm ngoái.
Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, tăng trưởng nhu cầu xăng trên toàn cầu có thể giảm một nửa trong năm 2024, gây sức ép lên lợi nhuận của các công ty lọc dầu, do quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) tại Trung Quốc và Mỹ cũng như mức tiêu thụ trở lại bình thường sau khi tăng mạnh hậu đại dịch trong năm 2023.
Với mức tăng thấp nhất kể từ năm 2020, nhu cầu có thể tăng 340.000 thùng/ngày, lên 26,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm ngoái, khi Trung Quốc đã gần đạt đến mức đỉnh về nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động vận tải và Mỹ đã vượt đỉnh.
Theo nhà phân tích Sushant Gupta của Woodmac, mức sử dụng EV tại Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. Trong năm nay, nhu cầu xăng tại Trung Quốc sẽ chỉ tăng 10.000 thùng/ngày, do EV phổ biến hơn.
Trong khi đó, công ty tư vấn Rystad Energy dự báo nhu cầu xăng trên toàn cầu ở mức khoảng 26 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng khoảng 300.000 thùng/ngày, so với mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm 2023, khi mức tiêu thụ tăng mạnh sau đại dịch.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc, quốc gia từng là động lực thúc đẩy nhu cầu xăng của toàn cầu, được cho là sẽ chiếm trên một nửa doanh số bán EV trong năm nay.
Theo dự báo bộ phận nghiên cứu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, mức tiêu thụ xăng tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này có thể tăng khoảng 1,3%, hay khoảng 2 triệu tấn, lên 165,1 triệu tấn (3,8 triệu thùng/ngày) trong năm nay.
Bộ phận nghiên cứu của công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec ước tính nhu cầu xăng sẽ tăng khoảng 1,7%, hay khoảng 3 triệu tấn, lên 182 triệu tấn trong năm nay.
IEA dự báo, khi giá giảm làm tăng nhu cầu, tỷ lệ EV trong tổng doanh số xe bán ra tại Trung Quốc trong năm nay có thể đạt 45%, tại châu Âu là khoảng 25% và tại Mỹ là trên 11%./.