Tăng tốc thi công các hạng mục của dự án giao thông trọng điểm phía Nam
Chính quyền các địa phương đang đôn đốc các đơn vị nhà thầu tập trung phương tiện máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuộc các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.
Chỉ còn một quý nữa là hết năm 2024, nhiều công trình giao thông trọng điểm khu vực phía Nam đang được tăng tốc thi công các hạng mục của dự án, tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Chính quyền các địa phương cũng đôn đốc các đơn vị nhà thầu tập trung phương tiện máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dài 47km, được chia thành 14 gói thầu; trong đó, có 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác.
Tính đến tháng 9/2024, tiến độ chung của 10 gói thầu xây lắp chính đạt tiến độ 16% giá trị hợp đồng; trong đó gói thầu đạt tiến độ cao nhất là gói XL 3 đạt tiến độ 32%; còn gói thầu đạt tiến độ thấp nhất là gói XL 10 mới đạt 5% tiến độ so với hợp đồng ký kết.
Đối với đoạn đi qua tỉnh Long An của đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tiến độ thi công đạt và vượt các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, phấn đấu thông xe nút giao cuối tuyến phần kết nối với Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành vào cuối năm nay.
Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết dự án thành phần 7 đường Vành đai 3 đang được triển khai thi công với ba gói thầu chính gồm gói XL1, XL2 và XL3. Đến cuối tháng 9/2024, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 50%.
Để dự án không bị chậm trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và cung cấp cát đắp nền đường như kế hoạch đã cam kết.
Còn tỉnh Bình Dương khẩn trương nghiên cứu mở rộng đoạn Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3 km để đồng bộ với dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khi đưa vào khai thác.
Tại tỉnh Đồng Nai, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua thành phố Biên Hòa hiện đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhanh nhất để phục vụ thi công.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tổng số hộ đã phê duyệt phương án bồi thường phải chi trả tiền bồi thường là 585 hộ với diện tích trên 22,8ha, có 193 hộ với hơn 11 ha đã được chi trả bồi thường, đạt tỷ lệ hơn 48,5%. Về công tác bàn giao mặt bằng, tổng diện tích đã bàn giao trên thực địa là gần 26,4ha, đạt hơn 44,3% trên diện tích thu hồi của dự án và đạt hơn 72,5% so với diện tích đã được phê duyệt phương án bồi thường.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Đồng Nai cần quan tâm hơn nữa đến việc giải phóng mặt bằng của dự án, bởi đây là điểm mấu chốt về tiến độ. Địa phương cần tập trung tối đa nhân lực để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, làm việc với các bộ, ngành, đơn vị để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Với chiều dài 58km, Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (CT.01) đi qua Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai được khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, nên thời gian thi công kéo dài cho đến nay.
Sau khi thi công trở lại, hiện tổng sản lượng dự án đạt khoảng 75% và đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng cũng như yêu cầu từ phía chủ đầu tư.
Theo Giám đốc Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) Đặng Hữu Vị, tình hình mưa bão thời gian qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc thi công Dự án Bến Lức-Long Thành. Các nhà thầu cũng đã cố gắng huy động đầy đủ thiết bị, vật liệu cũng như điều chỉnh biện pháp thi công hợp lý.
Dự kiến đến quý 4/2024 sẽ thông xe đoạn từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đến nút giao quốc lộ 1A thuộc tỉnh Long An có chiều dài 3 km và đoạn thứ hai (bên phía Nhơn Trạch, Long Thành, tỉnh Đồng Nai) từ nút giao vào Cảng Phước An đến nút giao với Quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 6,5km.
Thực tế, việc thông xe trước đoạn cuối cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ giúp giảm kẹt xe ở đầu cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương ra Quốc lộ 1 như hiện nay. Các phương tiện từ Đồng bằng sông Cửu Long đi các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ khi đến nút giao thuộc địa phận huyện Bến Lức (Long An) sẽ rẽ xuống để ra Quốc lộ 1 và đi tiếp hoặc theo các đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh để đi tiếp vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Ông Đặng Hữu Vị cho biết hiện dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đang tập trung thi công cầu Bình Khánh (gói thầu J1) bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Cần Giờ-Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) và đã đạt gần 82% khối lượng xây lắp, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025.
Khi cầu Bình Khánh hoàn thiện, cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ thông suốt từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đến hết địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Là dự án trọng điểm quốc gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến ngày 21/9, sản lượng thi công dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đạt 42%, chậm 15% so với kế hoạch.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án đã xử lý đất yếu bằng phương pháp gia tải hơn 91 km tuyến chính; hoàn thành 28 cầu, 89 cầu còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Nhằm đảm bảo đưa dự án về đích vào cuối năm 2025 theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu lập lại kế hoạch thi công chi tiết đối với các hạng mục còn lại của dự án một cách khoa học, đảm bảo bù được tiến độ bị chậm; đồng thời, ưu tiên nguồn lực tài chính, huy động thiết bị, máy móc, nhân lực thi công “3 ca, 4 kíp” (24/24), làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật; bố trí đầy đủ nhân sự nội nghiệp phối hợp với chủ đầu tư thực hiện nghiệm thu, thanh toán, tránh để công trường thiếu hụt về nguồn tài chính,…/.