Tăng sản lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Nhật Bản
Năm 2024, Công ty AEON Global Merchandising thuộc Tập đoàn AEON dự kiến sẽ đưa khoảng 30 tấn vải thiều Việt Nam vào Nhật Bản, tăng 120% so với năm 2023.
Ngày 30/5, đại diện doanh nghiệp thuộc Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đã về khảo sát, đánh giá vùng trồng vải thiều xuất khẩu ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và cho biết, theo kế hoạch, sản lượng vải quả tươi của Hải Dương mà doanh nghiệp này nhập khẩu năm nay sẽ tăng so với vụ vải năm 2023.
Đoàn khảo sát của Công ty AEON Global Merchandising thuộc Tập đoàn AEON đã thăm vườn vải thuộc Tổ sản xuất số 10, Hợp tác xã Thanh Sơn, trực tiếp hái những trái vải chín và thưởng thức.
Các vị khách cũng trò chuyện với nông dân đang thu hoạch vải, tìm hiểu về quy trình chăm sóc, nắm bắt sản lượng và thời vụ thu hoạch của vải thiều năm nay.
Tập đoàn AEON đã nhập khẩu trái vải Thanh Hà được 5 năm. Ông Naoki Matsuda, chuyên viên phụ trách thu mua nông sản tươi của Công ty Aeon Global Merchandising thuộc Tập đoàn AEON cho biết: "Đây là lần thứ hai chúng tôi về thăm vùng vải thiều Thanh Hà. Vải rất ngon. Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng vải và hài lòng vì quy trình trồng, chăm sóc được tiến hành đúng theo tiêu chuẩn Global GAP."
Theo ông Naoki Matsuda, thời gian qua, người tiêu dùng Nhật Bản đã ăn trái vải của Hải Dương được bán tại hệ thống siêu thị AEON đều đánh giá vải Thanh Hà, Hải Dương rất ngon.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân Nhật Bản chưa biết đến sản phẩm này. Chính vì vậy, thông qua hệ thống siêu thị của AEON, doanh nghiệp vừa bán hàng, vừa tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá để người dân Nhật Bản biết đến quả vải nhiều hơn.
Năm 2024, doanh nghiệp này dự kiến sẽ đưa khoảng 30 tấn vải thiều Việt Nam vào Nhật Bản, tăng 120% so với năm 2023. “Mặc dù đây là con số chưa lớn nhưng doanh nghiệp định hướng sẽ tăng sản lượng vải nhập vào thị trường Nhật Bản qua hệ thống AEON trong những năm tới,” ông Naoki Matsuda tin tưởng.
Để tăng sản lượng vải vào thị trường Nhật Bản, đại diện phía doanh nghiệp mong muốn người sản xuất tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn của Global GAP, kiểm soát chặt chẽ theo yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; các cơ quan, ban ngành nghiên cứu, cải tiến các giống vải để đa dạng hơn, có thể lai tạo, thử nghiệm những giống vải có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt hơn hoặc có hạt nhỏ, không hạt…
Vui mừng trước những phản hồi tích cực từ thị trường Nhật Bản, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, huyện Thanh Hà sẽ chỉ đạo quá trình trồng, chăm sóc vải để các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đảm bảo chất lượng tốt nhất, đáp ứng tốt những kế hoạch tăng sản lượng nhập khẩu vải từ phía doanh nghiệp Aeon trong những năm tiếp theo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, năm nay, tuy sản lượng vải giảm khoảng 20.000 tấn so với năm trước nhưng không vì thế mà bà con nông dân lơ là việc chăm sóc.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, cho biết tất cả những diện tích vải ra hoa trên 50% đều được chỉ đạo tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP để đáp ứng các tiêu chí nhập khẩu ở các thị trường cao cấp.
Do được nông dân tập trung chăm sóc nên chất lượng, mẫu mã vải hiện nay đều đẹp. Đến thời điểm này, tất cả các vùng trồng để phục vụ xuất khẩu đều được kiểm soát đủ tiêu chuẩn để thu mua, xuất khẩu sang các thị trường "khó tính."
Bên cạnh đó, việc quả vải xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường đã là động lực để người trồng vải quen với ý thức trồng vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà Kiểm dẫn chứng: “Như vườn vải ở Tổ sản xuất số 10 này, trước kia bà con không quá quan tâm đến cây vải nhưng gần đây nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sản xuất vải xuất khẩu thành công nên hiện nay bà con tập trung đầu tư rất nhiều. Vải đang được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu. Hy vọng năm sau thời tiết thuận lợi hơn, năng suất vải cao hơn, việc bà con giữ vững được chất lượng sẽ là điều quan trọng để tăng sản lượng vải xuất khẩu.”
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ, đơn vị thu mua, xuất khẩu vải thiều Hải Dương nhiều năm nay, mặc dù vải mất mùa so với những năm trước nhưng sản lượng ở các vườn vải mà doanh nghiệp đã và đang hợp tác, vẫn đảm bảo cung cấp cho xuất khẩu.
Từ đầu vụ đến nay, Công ty đã xuất khẩu được khoảng 50 tấn vải sang các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ, Canada.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, cho biết dự kiến năm nay sản lượng vải thiều chính vụ sang Trung Đông có thể giảm, nhưng vải u hồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ, Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng trưởng.
Riêng sản lượng vải do doanh nghiệp thu mua, đóng gói và xuất sang thị trường Nhật Bản ước tăng 30-40%. Hiện tại doanh nghiệp đã sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất sơ chế đóng gói để đảm bảo được sự tăng trưởng lượng đơn hàng từ phía đối tác Nhật Bản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, sản lượng vải năm 2024 của tỉnh ước 40.000- 45.000 tấn, riêng vải sớm ước đạt 30.000 tấn. Dự kiến trà vải chính vụ (vải thiều) bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 10/6 đến hết tháng 6.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 198 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu, riêng huyện Thanh Hà có 167 mã số vùng trồng.
Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Singapore và Trung Đông..../.