Tăng cường giải pháp đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng
Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, vấn đề tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao không chỉ riêng ở Việt Nam.
Sáng 22/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Chất vấn về tình hình tội phạm trên mạng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trong phiên chiều 21/8 đánh giá, tội phạm trên mạng đang ngày càng trở nên nặng nề và ác liệt. Đại biểu cho biết: “Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Thủ tướng Chính phủ có nói xã hội thực thế nào thì xã hội mạng cũng như vậy... Cử tri cho rằng Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm mạng nhiều hơn, bài bản hơn, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm trên mạng.”
Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm của Chính phủ trong việc tổ chức lực lượng để phòng, chống tội phạm trên mạng trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, vấn đề tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ riêng ở Việt Nam.
Đây là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Liên hợp quốc đang đề xuất Hiệp định tội phạm mạng quốc tế của Liên hợp quốc, sẽ ký kết trong thời gian tới và Bộ Công an Việt Nam sẽ là một trong những thành viên, tham gia ký kết hiệp định này.
"Loại tội phạm này có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao; hầu hết đời thực có cái gì thì trên mạng có cái đó, và đời thực chỉ có một thì trên mạng có thể nhân lên nhiều lần. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù," Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao.
Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, đây được xem là "căn cước trên không gian mạng" để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Đồng thời phải ứng dụng, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản của ngân hàng, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Bộ Công an cũng đang củng cố, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
"Theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong 6 lực lượng phải tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025. Do đó, chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, vào cuộc, tăng cường tiềm lực của các địa phương và các nguồn lực xã hội khác," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Công an cũng đã bố trí lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Công an các địa phương, 63 tỉnh, thành đều có lực lượng này, là lực lượng chủ công; đồng thời các lực lượng khác của Bộ Công an cũng được nâng cao kỹ năng, phương tiện để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao theo hệ đối tượng đấu tranh của mình.
“Việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên có thể sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới,” Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…
Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, theo báo cáo, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của vụ án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự vẫn còn hạn chế.
Tỷ lệ kháng nghị được tòa án chấp nhận chỉ đạt 61%, kháng nghị án hành chính chỉ đạt 46,3%, thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Đại biểu đề nghị Viện trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên.
Liên quan đến án hành chính, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, án hành chính là loại án khó, tính chất phức tạp, việc giải quyết phải áp dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau ở nhiều thời kỳ và thường xuyên thay đổi.
Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết. Trong thực tế, tỷ lệ án hành chính có liên quan đến đất đai chiếm từ 70-80% - đây là lĩnh vực phức tạp nhất, khó giải quyết nhất.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, giải pháp căn cơ là bổ sung, điều chỉnh Luật Tố tụng hành chính đủ mạnh và khả thi hơn trong thực hiện./.