Tân Thống đốc BoJ trước quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ

Thị trường đang chờ những dấu hiệu để nhận định về khả năng Tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản BoJ Kazuo Ueda sẽ dừng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) sớm.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tân thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đang đứng trước một chặng đường khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế của toàn cầu chậm lại cản trở triển vọng tăng lạm phát và lương bền vững, điều kiện tiên quyết cho việc dừng chính sách kích thích mà người tiền nhiệm của ông đã thực hiện.

Ông Ueda, 71 tuổi, bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 9/4, thay ông Haruhiko Kuroda, khi nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông kết thúc vào ngày 8/4.

Thị trường đang chờ những dấu hiệu để nhận định về khả năng ông Ueda sẽ dừng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) sớm.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng Hai, ông Ueda đã nhấn mạnh việc cần duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để đảm bảo Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững nhờ tăng trưởng lương.

Tuy nhiên, khi lạm phát vượt mức mục tiêu, nhiều nhà phân tích nhận định BoJ sẽ điều chỉnh hoặc dừng (YCC), chính sách kết hợp giữa mục tiêu lãi suất ngắn hạn 0,1% và trần lợi suất 0% áp dụng với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, sớm nhất là trong quý này.

[Nội các Nhật Bản duyệt chi 17 tỷ USD cho các biện pháp chống lạm phát]

Cựu Phó Thống đốc BoJ, Hiroshi Nakaso, cho rằng hiệu ứng phụ từ YCC đang gia tăng. Vào thời điểm thích hợp, tân Thống đốc BoJ có thể sẽ điều chỉnh hoặc hủy bỏ YCC.

Sau khi chạm mức cao nhất trong 41 năm là 4,2% trong tháng 1/2023, lạm phát giá tiêu dùng lõi vẫn ở mức trên 3%, khi ngày càng nhiều công ty tăng giá bán khi giá vật liệu thô tăng.

Khi sinh hoạt phí của các gia đình tăng, các công ty lớn đã tăng lương gần 4% trong năm nay, mức tăng nhanh nhất trong khoảng 3 thập niên.

Tại cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Thống đốc BoJ vào ngày 7/4, ông Kuroda đã nói Nhật Bản đang tiến gần tới mức lạm phát 2%.

Tuy nhiên, những lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng là một trong những trở ngại đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Trong khi việc bỏ các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch đã thúc đẩy tiêu dùng, một số nhà phân tích cảnh báo các đợt tăng giá gần đây đối với các mặt hàng thiết yếu có thể cũng tác động đến chi tiêu.

Ông Ueda sẽ chủ trì phiên họp chính sách đầu tiên vào ngày 27-28/4 tới, với các dự báo mới về tăng trưởng kinh tế và lạm phát hàng quý cho đến tài khóa 2025 sẽ được đưa ra.

Theo các dự báo hiện nay, BoJ nhận định lạm phát lõi sẽ chạm mức 1,6% trong tài khóa này (bắt đầu từ tháng 4/2023) và tăng lên 1,8% trong tài khóa tới./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)