Tân Bộ trưởng Tài chính Đức tuyên bố không có kế hoạch đóng băng ngân sách

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, với sự ủng hộ của đảng Xanh, những khoản tiền không còn cần để trợ cấp các nhà máy sản xuất chip mới của Intel có thể được dùng để bù đắp tình trạng thiếu hụt ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies. (Nguồn: EPA)

Ngày 12/11, tân Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies tuyên bố sẽ không đóng băng ngân sách năm 2024 dù liên minh cầm quyền 3 đảng vừa tan rã.

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế, do tạp chí Sueddeutsche tổ chức ở Berlin, ông Kukies khẳng định với tình hình tài chính hiện nay, chính phủ thiểu số vẫn có thể vượt qua năm 2024 một cách ổn thỏa, bất chấp việc chưa rõ có được bổ sung ngân sách hay không.

Các đảng đối lập gồm Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) và Dân chủ Tự do (FDP) đang phản đối ngân sách bổ sung của chính phủ cho năm 2024, dự kiến được nghị viện xem xét trong ngày 13/11.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, với sự ủng hộ của đảng Xanh, những khoản tiền không còn cần để trợ cấp cho các nhà máy sản xuất chip mới của Intel có thể được sử dụng để bù đắp tình trạng thiếu hụt cho ngân sách năm nay.

Ngoài ra, sẽ có một ngân sách tạm thời cho năm tới, vì nhiều khả năng Hạ viện sẽ không thông qua ngân sách chính thức trước khi diễn ra cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025. Ông Kukies khẳng định chính phủ hiện nay có thể và sẽ trả mọi nghĩa vụ tài chính trong nhiệm kỳ này.

Đối với các vấn đề kinh tế khác, Bộ trưởng Kukies cho biết chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào tư nhân hóa sau khi ổn định. Chính phủ cũng sẽ tuân thủ các kế hoạch tái tư nhân hóa công ty năng lượng Uniper, vốn được giải cứu trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.

Ông phản đối việc ngân hàng UniCredit của Italy có động thái “thâu tóm” ngân hàng Commerzbank (được nhà nước Đức bảo trợ) thông qua các biện pháp "không thân thiện."

Nền kinh tế Đức đã tụt hậu so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2021 và dự báo sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2024, khiến nước này trở thành nền kinh tế có hiệu suất kém nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

Chính phủ Đức đã đề ra sáng kiến phục hồi tăng trưởng kinh tế gồm 49 biện pháp, trong đó một số biện pháp dự kiến sẽ được nghị viện thông qua trước cuối năm nay. Tuy nhiên, sự sụp đổ của liên minh cầm quyền đã làm đình trệ kế hoạch này, từ đó có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế trong những tháng tới./.