Tâm lý lo ngại về nguồn cung hỗ trợ thị trường dầu thế giới
Giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều tăng hơn 6% trong tuần này, hướng tới tuần thứ ba tăng liên tiếp sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác bất ngờ cắt giảm sản lượng.
Xu hướng tăng giá bao trùm hầu hết thị trường dầu thế giới tuần qua, đáng chú ý là trong phiên đầu tuần 3/4, giá dầu thế giới tăng hơn 6%, một ngày sau khi các nhà sản xuất gây bất ngờ cho thị trường với kế hoạch cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến.
Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung.
Trong khi đó, một số nhà quan sát cảnh báo nhu cầu dầu của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm khi giá dầu tăng cao hơn.
Chốt phiên 3/4, giá dầu Brent tăng 5,04 USD (6,3%) lên 84,93 USD/thùng, sau khi vọt lên 86,44 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 7/3, vào đầu phiên này. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,75 USD (6,3%) lên 80,42 USD/thùng sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tháng.
Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác thuộc nhóm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, ngày 2/4 thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Giới phân tích cho rằng động thái bất ngờ này sẽ khiến giá dầu tăng cao và Mỹ gọi đây là bước đi “không khôn ngoan."
Theo tính toán của hãng tin Reuters, những cam kết cắt giảm sản lượng mới sẽ nâng tổng lượng dầu cắt giảm của OPEC+ lên mức 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 3/4 cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng là một "hành động thiếu tính xây dựng" và sẽ gây thêm bất ổn cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu đồng thời tạo gánh nặng cho người tiêu dùng vào thời điểm lạm phát cao.
Tuy nhiên, OPEC cho rằng quyết định của họ là biện pháp phòng ngừa. Các nhà phân tích cho biết sự giảm tốc của nền kinh tế và đà tăng của dự trữ dầu đã hỗ trợ cho quyết định của tổ chức này. Tháng trước, giá dầu Brent giao dịch gần 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại nhu cầu suy yếu.
Giá dầu thế giới nối dài đà tăng trong phiên ngày 4/4 khi các nhà giao dịch tiếp tục đánh giá quyết định cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất lớn.
Sang đến phiên 5/4, giá dầu thế giới hầu như không thay đổi bất chấp số liệu về dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, do thị trường cân nhắc triển vọng kinh tế xấu đi cùng kế hoạch giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 5 xu Mỹ (tương đương 0,1%) ở mức 84,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI kết thúc phiên giảm 10 xu Mỹ (0,1%) xuống mức 80,61 USD/thùng.
[Giá dầu trên thị trường thế giới ít biến động trong phiên 6/4]
Số liệu chính thức công bố mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn khoảng 1,5 triệu thùng so với dự báo. Dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm nhiều hơn dự kiến, lần lượt 4,1 triệu thùng và 3,6 triệu thùng vào cùng giai đoạn báo cáo.
Tuy nhiên, thông tin trên chưa tạo được nhiều ảnh hưởng tới thị trường như kỳ vọng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS đánh giá có thể sau đợt tăng mạnh trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ có một chút thận trọng khi đối mặt với các báo cáo có số liệu tốt.
Đến phiên 6/4, giá dầu thế giới giảm nhưng vẫn hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp do OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Giá dầu Brent giảm 34 xu Mỹ (0,4%) xuống 84,65 USD/thùng vào lúc 15 giờ 03 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 29 xu Mỹ (0,4%) xuống 80,32 USD/thùng.
Giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều tăng hơn 6% trong tuần này, hướng tới tuần thứ ba tăng liên tiếp sau khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, các báo cáo gần đây cho thấy các điều kiện kinh tế Mỹ đang yếu đi cũng gây áp lực lên nhu cầu dầu thô và nhiên liệu. Như trong tháng Hai, số cơ hội việc làm của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm cho thấy thị trường lao động đang “hạ nhiệt."
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi thêm tín hiệu về xu hướng kinh tế Mỹ từ báo cáo việc làm phi nông nghiệp công bố vào cuối tuần này. Những số liệu kinh tế yếu từ Mỹ và Trung Quốc thường làm gia tăng lo ngại về nhu cầu năng lượng thế giới.
Thị trường dầu thế giới đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh từ phiên 7/4./.