Tài sản toàn cầu sẽ đạt 629.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới
Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu thường niên, tài sản toàn cầu đo lường trên khối lượng tài sản của các cá nhân từ bất động sản đến cổ phiếu, cổ phần đầu tư trong các doanh nghiệp ước tăng 38% vào 2027.
Tài sản toàn cầu đo lường dựa trên khối lượng tài sản của các cá nhân từ bất động sản đến cổ phiếu và cổ phần đầu tư trong các doanh nghiệp ước tăng 38% vào năm 2027, trong đó phần tăng chủ yếu tại các thị trường mới nổi.
Số liệu trên là kết quả Báo cáo Tài sản Toàn cầu thường niên do các ngân hàng Credit Suisse và UBS thực hiện, dựa trên số liệu thống kê tài sản của 5,4 tỷ người trưởng thành tại 200 thị trường.
Báo cáo ước tính khối lượng tài sản toàn cầu sẽ đạt con số 629.000 tỷ USD trong 5 năm tới, dù trong năm ngoái, khối lượng tài sản ròng toàn cầu đã lần đầu tiên sụt giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Về danh nghĩa, tài sản cá nhân ròng trong năm 2022 đã giảm 2,4%. Báo cáo cho biết sự sụt giảm này chủ yếu ghi nhận ở các nước giàu có tại Bắc Mỹ và châu Âu. Việc đồng USD mạnh lên là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Năm ngoái, Nga, Mexico, Ấn Độ và Brazil là những nước ghi nhận lượng tài sản gia tăng lớn nhất.
[Tỷ phú Mỹ “áp đảo” trong danh sách những người giàu nhất thế giới]
Báo cáo Tài sản Toàn cầu dự báo tài sản của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm các nước BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ tăng 30% vào năm 2027.
Trong báo cáo, các chuyên gia hy vọng sự gia tăng tài sản ở các thị trường mới nổi sẽ góp phần giảm sự bất bình đẳng giàu nghèo toàn cầu trong những năm tới.
Báo cáo cũng nêu rõ tài chính là lĩnh vực có tốc độ tài sản "bốc hơi" mạnh nhất trong năm ngoái. Trong khi đó, tài sản liên quan đến bất động sản vẫn ổn định.
Theo báo cáo, tài sản trung bình tính theo đầu người đã tăng gấp 3% trong năm 2022, trái ngược với mức giảm 3,6% tài sản của một người trưởng thành. Năm ngoái, tài sản trung bình của một người trưởng thành giảm 3.198 USD.
Trong thế kỷ này, tài sản trung bình của một người đã tăng gấp 5 lần, chủ yếu là do mức tăng trưởng của cải nhanh chóng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và hiện đang trong quá trình phục hồi sau COVID-19./.