Tài sản của các tỷ phú tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua

Tài sản của các tỷ phú thế giới đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, với những người giàu nhất đã tận dụng được tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử và tài chính kỹ thuật số.

Các tỷ phú thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 5/12, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố báo cáo cho biết tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua.

Cụ thể, mức tăng trưởng của các tỷ phú đã tăng 121%, từ 6,3 nghìn tỷ USD lên 14 nghìn tỷ USD. Số lượng tỷ phú cũng đã tăng từ 1.757 người lên đến 2.682 người, trong đó năm 2021 ghi nhận số lượng tỷ phú đông nhất là 2.686 người.

Những cá nhân giàu có nhất chủ yếu tận dụng được những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử và tài chính kỹ thuật số. Tài sản của các tỷ phú công nghệ tăng gấp ba lần trong giai đoạn này, lên mức 2,4 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, các tỷ phú trong lĩnh vực công nghiệp cũng chứng kiến mức tăng đáng kể.

Báo cáo chỉ ra rằng xu hướng tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, tài sản của các tỷ phú trên toàn cầu tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 10%, tuy nhiên con số này đã giảm xuống còn 1% kể từ năm 2020.

Tính riêng năm 2024, đã có 268 tỷ phú mới xuất hiện, phần lớn là những doanh nhân tự thân lập nghiệp, đặc biệt là tại Mỹ. Tài sản của các tỷ phú này tăng 27,6% lên 5,8 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 40% tài sản của các tỷ phú toàn cầu. Tài sản và số lượng các tỷ phú từ Ấn Độ, Tây Âu hay Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đều chứng kiến mức tăng trưởng.

Tuy nhiên, tài sản của các tỷ phú từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) giảm 16,8% còn 1,8 nghìn tỷ USD, với số lượng tỷ phú giảm từ 588 người xuống 501 người.

Bên cạnh đó, báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng tỷ phú di cư, đặc biệt tới các nước như Thụy Sĩ, UAE, Singapore và Mỹ. Khoảng 176 người, tương đương với 6,6% số lượng tỷ phú trên thế giới đã di cư giữa các quốc gia kể từ năm 2020, do lối sống và các cân nhắc pháp lý như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hệ thống chuyển giao tài sản.

Nhìn về phía trước, UBS dự báo các tỷ phú phải tiếp tục đối mặt với "thế giới bất ổn" trong 10 năm tới, do căng thẳng địa chính trị, các rào cản thương mại cũng như sự đổi mới liên tục trong các lĩnh vực như AI và năng lượng tái tạo./.