Tái dựng nghi lễ thả cá chép, dựng cây nêu ở cung đình Thăng Long
“Tống cựu nghinh Tân” - lễ tiễn cái cũ để đón năm mới về, là các lễ trước Tết Nguyên đán, bao gồm chuỗi các nghi lễ: cúng ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, dựng cây nêu.
Ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp năm Quý Mão), nghi lễ “Tống cựu nghinh Tân” với nhiều hoạt động độc đáo đã được thực hành tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, thành phố Hà Nội.
Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
“Tống cựu nghinh Tân” - Tiễn cái cũ để đón năm mới về, là các lễ trước Tết Nguyên đán, bao gồm chuỗi các nghi lễ: Lễ cúng ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, thướng tiêu.
Trong Hoàng cung Thăng Long xưa, vào dịp Tết đến, Xuân về, những nghi lễ được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng thể hiện sự hưng thịnh của quốc gia, sự bình an, no ấm cho nhân dân.
Nhà Vua là người đầu tiên thực hiện nhằm báo hiệu năm mới đến, sau đó người dân, quan lại mới được thực hiện tại dinh phủ và nhà mình. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thực hành lễ cúng ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, tiến lịch, lễ thả cá chép, lễ thướng tiêu (dựng cây nêu).
Các nghi lễ có sự tham gia của lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Hội Di sản văn hóa Thăng Long. Những người thực hành di sản đều mặc trang phục truyền thống đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm.
Tại điện Kính Thiên, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cùng Ban Tổ chức làm lễ cúng ông Công ông Táo. Thực hành xong nghi thức này, đoàn nghi lễ cùng chủ tế đưa cá chép sang dòng sông cổ tại khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu để phóng sinh.
Phần quan trọng nhất, được mọi người chờ đợi nhất là nghi lễ dựng cây nêu tại không gian trước Đoan Môn. Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp Hội Di sản Văn hóa Thăng Long phục dựng thành công nghi lễ này.
Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, treo những chiếc khánh đất, hay linh vật để khi gió thổi, va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Sau các nghi thức tế lễ Trời Đất, cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của mọi người. Cùng với việc thực hành nghi lễ cung đình, dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức trưng bày phong tục Tết Nguyên đán dân gian truyền thống và nghi lễ Tết cung đình.
Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống được trưng bày thông qua việc tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở Kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh, câu đối Tết, đốt pháo Tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc Tết, mừng tuổi, thú chơi hoa Tết... Không gian trưng bày cổ kính, mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất Kinh kỳ xưa.
Không gian phong tục Tết truyền thống thể hiện không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm: đi chợ Tết mua sắm thực phẩm, lau dọn, trang hoàng bàn thờ gia tiên và nhà cửa, gói bánh chưng, làm giò, làm mứt... Các gia đình đều có chung một khí thế phấn khởi chuẩn bị cho một cái Tết sung túc, đủ đầy.
Tết dân gian truyền thống được trưng bày tại khu vực đón tiếp Nhà 19C. Không gian trưng bày Tết cung đình giới thiệu lễ Chính đán thời Lê Trung hưng, là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Nghi lễ Chính đán được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trưng bày diễn giải với nội dung chính: hệ thống pano tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; không gian phỏng dựng nghi thức dâng biểu chúc mừng nhà Vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi.
Điểm nhấn đặc biệt của trưng bày là lần đầu tiên một nghi lễ Tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D “Lễ Chính đán thời Lê.”
Bộ phim mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ trọn vẹn và ấn tượng về âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu câu chuyện… đưa khán giả hòa mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như rước biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá Vua sang điện Kính Thiên; Vua lên ngai, văn võ bá quan vào chầu hành lễ; lễ tuyên biểu mục, tuyên biểu và lễ tuyên chế; bách quan chúc mừng Vua.
Tết cung đình được trưng bày tại khu vực sân điện Kính Thiên Nhà N14. Có thể nói Tết Nguyên đán có nhiều phong tục độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Việt.
Đặc biệt, tại mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, văn hóa Tết Nguyên đán lại càng phong phú và đặc sắc, nơi đây là sự hội tụ và giao thoa giữa nền văn hóa cung đình và văn hóa dân gian truyền thống. Các hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết Giáp Thìn)./.