Tác phẩm nghệ thuật giảm sức hấp dẫn đối với giới siêu giàu

Nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management cho biết lạm phát, lãi suất cao và bất ổn chính trị đã khiến những khách hàng giàu có cân nhắc hơn khi mua tác phẩm nghệ thuật.

Bức tranh "Meules a Giverny" của danh họa Claude Monet được trưng bày tại nhà đấu giá Sotheby's ở New York, Mỹ ngày 3/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/10, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ công bố báo cáo về thị trường nghệ thuật cho thấy doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật toàn cầu đã giảm 4% vào năm ngoái, xuống còn khoảng 65 tỷ USD, do sức mua của những người siêu giàu đã giảm.

Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, lưu ý rằng lạm phát, lãi suất cao và bất ổn chính trị đã khiến những khách hàng giàu có cân nhắc hơn khi mua tác phẩm nghệ thuật.

Doanh số bán tại các cuộc đấu giá nghệ thuật đã giảm 7% và tại các đại lý giảm 3%, chủ yếu là do nhu cầu đối với tác phẩm nghệ thuật đắt tiền và lượng mua có giá trị trung bình giảm.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất chứng kiến doanh số bán tác phẩm nghệ thuật tăng trưởng. Điều này khiến cho Trung Quốc trở thành thị trường nghệ thuật lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với mức tăng 9% trong các giao dịch lên tới 12,2 tỷ USD.

Ông Donovan lý giải sự gia tăng này là do hành vi mua hàng chậm lại sau đại dịch COVID-19, vì Trung Quốc duy trì các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn trong thời gian dài hơn các quốc gia phương Tây.

Ngoài ra, lãi suất cao và lạm phát cũng đã góp phần làm giảm doanh số bán hàng liên quan đến nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật kỹ thuật số (NFT). Doanh số bán NFT, đạt đỉnh 2,9 tỷ USD vào năm 2021, đã giảm 51% vào năm ngoái.

Ông Donovan cho biết, thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, ngay cả khi lãi suất giảm và các tài sản khác như tiền điện tử tăng./.