Tác giả tiểu thuyết 'Ông tướng tình báo và hai bà vợ' qua đời
Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết – tác giả tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Ông để lại di sản gồm gần 100 tác phẩm văn chương.
Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết – tác giả tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” đã qua đời sáng 20/7, hưởng thọ 95 tuổi.
Ông sinh ngày 1/5/1929 tại thôn Tự Nhiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1986.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là một sỹ quan quân đội từ lúc nhập ngũ (1949) cho đến khi về hưu (1989). Có mặt ở nhiều chiến trường như Điện Biên Phủ (1954), Đường 9-Nam Lào (1971), Trại Davis (1973-1975), chứng kiến chính quyền Sài Gòn đầu hàng ngày 30/4/1975… nên ông có vốn sống rất phong phú, giàu tư liệu để xây dựng tác phẩm.
Ông là tác giả của gần 100 cuốn sách, gồm có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Chiến công thầm lặng,” “Gia đình biệt động,” “Nữ tướng Phunrô,” “Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z,” “Viên chuẩn tướng,” “Mặt trận không tiếng súng,” “Ông tướng tình báo và hai bà vợ,” “Lính biệt động,” “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.”
Tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" ra mắt năm 2010 đã được đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Cường dựng thành phim (29 tập), đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Cuốn tiểu thuyết "Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn" được tái bản nhiều lần, được giới thiệu ở Anh, Mỹ, Pháp và đang được dựng phim với quy mô cả trăm tập.
[Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm, hưởng thọ 92 tuổi]
Chia sẻ về quá trình viết tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ,” nhà văn từng nói: "Không biết các nhà văn khác thai nghén tác phẩm thế nào, còn tôi, khi viết tác phẩm này, tôi tự đặt câu hỏi: Người xưa đã để lại cho đời những áng văn chương ghi lại những tấm gương bất hủ về tình cảm vợ chồng như Tống Trân-Cúc Hoa, trong khi cuộc sống ngày hôm nay có bao nhiêu kỳ tích tương tự, vậy tại sao mình không viết?"
Trên truyền hình, ông cũng tâm sự về niềm tự hào khi vừa được viết văn, vừa được làm báo. Nhờ đó, ông được chứng kiến hai kẻ địch đầu hàng cách mạng ở hai thời khắc lịch sử khác nhau.
“Ở Điện Biên Phủ, quân Pháp kéo cờ trằng đầu hàng, bất cứ cái gì có màu trắng như bông trắng, băng trắng, dù trắng… chúng cũng đưa ra để báo hiệu đầu hàng. Thời khắc 30/4/1975 lại hoàn toàn khác, cờ của Mặt trận dân tộc nửa đỏ nửa xanh ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nhân dân đã cảm thấy thực sự phấn khởi khi hình ảnh lá cờ được đưa ra, cờ đó là cờ của lòng dân, viết nên trang sử hào hùng,” nhà văn nói.
Hay tin nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người tôi nghĩ chỉ có hai hành động chính trong suốt cuộc đời mình: Một là ngước mắt lên để nhìn cuộc sống, hai là cúi xuống để viết.”
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Trần Thiết không chỉ là một nhà văn mà ông là một người chép sử. Trong văn của ông chứa đựng sự thật, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà ông tham dự và nhiều nhân vật đặc biệt của lịch sử mà ông tiếp xúc.
“Ông đã ra đi, tựa như một người tạm ngừng viết, khép cửa và đi thăm bạn bè. Ông sẽ quay lại với căn phòng và bàn viết của mình không ở kiếp này thì chắc chắn sẽ ở kiếp sau," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ./.