Tác động từ “quyền lực mềm” của văn hóa Hàn Quốc
Có ý kiến cho rằng văn hóa Hàn Quốc đã vượt qua K-POP hay K-Food thuần túy. Trong lĩnh vực văn học, vốn được mệnh danh là "tinh hoa văn hóa," Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bước vào đấu trường quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, việc nhà văn Hàn Quốc Han Kang vừa đoạt giải Nobel Văn học 2024, trở thành nhà văn nữ châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng này, đánh dấu sự mở rộng hơn nữa về tầm ảnh hưởng của "văn hóa Hàn Quốc (K-Culture)" trong cộng đồng quốc tế.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc không còn giới hạn ở châu Á mà không ngừng mở rộng sang châu Âu, Mỹ, Trung Đông.
Theo báo chí Hàn Quốc, tiếp nối văn hóa đại chúng Hàn Quốc (K-POP) với nhóm nhạc BTS làm đại diện và phim truyền hình Hàn Quốc (K-Drama) với hiện tượng "Squid Game" (Trò chơi con mực), món ăn Hàn Quốc (K-Food) đã chinh phục vị giác của các “tín đồ ẩm thực” trên toàn thế giới.
Không chỉ dừng lại ở âm nhạc, phim ảnh và ẩm thực, các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc (K-beauty) và phong cách Hàn Quốc (K-Fashion) được giới tạo xu hướng thời trang săn lùng ráo riết.
Thậm chí, văn học Hàn Quốc cũng bắt đầu thu hút sự chú ý trên trường quốc tế.
Năm 2020, khi thế giới bị đình trệ vì đại dịch COVID-19 bùng phát, ca khúc "Dynamite" của nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS đã đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard của Mỹ, trở thành ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu danh sách này.
"Dynamite" được đánh giá mang đến niềm an ủi và hy vọng cho giới trẻ khắp nơi trên thế giới nhờ ca từ tích cực và phong cách âm nhạc sôi động.
Đối với BTS, đây mới chỉ là khởi đầu. Với nhiều ca khúc như "Butter," "Permission To Dance" và "My Universe," họ đã đứng đầu Billboard và trở thành một trong những nhóm nhạc nam quốc tế hàng đầu. Họ đã 3 lần được đề cử giải Grammy Music Award.
Trong số những ngôi sao nhạc pop xuất sắc nhất thế kỷ 21 được Billboard bình chọn gần đây, BTS đứng thứ 19, hiện đang là thứ hạng cao nhất của các ca sỹ nhạc pop Hàn Quốc và cả châu Á.
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc "Bản tình ca mùa Đông" phát sóng năm 2002 đã tạo nên cơn sốt phim truyền hình Hàn Quốc khắp châu Á. Thậm chí cho đến ngày nay, hơn 20 năm sau, bộ phim vẫn được khán giả Nhật Bản và các nước khác nhắc đến.
Trong những năm gần đây, với sự nổi lên của các nền tảng truyền thông trực tuyến toàn cầu như Netflix, ảnh hưởng của phim truyền hình Hàn Quốc đã mở rộng sang châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới.
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc "Squid Game" ra mắt năm 2021 đã tạo nên một hiện tượng toàn cầu, đồng thời cũng trở thành phim truyền hình ăn khách nhất lịch sử Netflix.
Nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc như "Ngôi trường xác sống," "The Glory" (tạm dịch "Vinh quang trong thù hận")... liên tiếp tạo nên cơn sốt và được đông đảo khán giả đón nhận. Mùa thứ hai của "Squid Game" sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay cũng đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một cơn lốc khác của làn sóng Hallyu.
Ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim Hàn Quốc "Ký sinh trùng" của đạo diễn Bong Joon-ho đã đoạt giải Cành cọ vàng và giải Oscar tại Liên hoan phim Cannes. Như vậy, năm 2020 trở thành năm đáng nhớ đối với làn sóng Hallyu khi “Ký sinh trùng” đã giành được giải Oscar cho Phim hay nhất, và BTS có 3 giải Đĩa đơn quán quân Billboard.
Trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, hầu như năm nào cũng có tin vui về việc các nhạc sỹ Hàn Quốc giành được giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế có uy tín. Các nghệ sỹ piano như Cho Seong-Jin (Cuộc thi Piano quốc tế Chopin) và Lim Yun-Chan (Cuộc thi Van Cliburn) đã liên tiếp giành được những chiến thắng trong các cuộc thi lớn.
Việc xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc ra thế giới đã thúc đẩy thứ hạng quyền lực mềm của nước này tiếp tục tăng cao.
Tạp chí Monocle của Anh năm 2020 đánh giá rằng quyền lực mềm của Hàn Quốc đứng thứ 2 trong số các nước trên thế giới, chỉ sau Đức.
Việc nâng cao quyền lực mềm đã trực tiếp "chuyển hóa" thành hiệu quả kinh tế đáng kể, xuất khẩu lương thực của Hàn Quốc đạt mức cao mới.
Từ tháng Một đến tháng Chín năm nay, xuất khẩu nông sản và thực phẩm phụ của Hàn Quốc đạt 10.000 tỷ won (7,4 tỷ USD), lập kỷ lục mới. Món cơm cuộn rong biển (gimbap), bánh gạo chiên (tteokbboki), gà rán Hàn Quốc... cũng trở thành một trong những biểu tượng văn hóa mới của nước này.
Sau khi đoạt giải Booker quốc tế cho tác phẩm "The Vegeterian" (tạm dịch "Người ăn chay") vào năm 2016, nữ nhà văn Han Kang đã xuất sắc nhận được giải Nobel Văn học vào năm nay, mở ra một kỷ nguyên mới cho văn hóa Hàn Quốc tiếp nối thành công của K-POP, phim truyền hình Hàn Quốc và ẩm thực Hàn Quốc.
Nhà phê bình văn hóa Kim Kyo-seok cho rằng văn hóa Hàn Quốc đã vượt qua K-POP hay K-Food thuần túy. Trong lĩnh vực văn học, vốn được mệnh danh là "tinh hoa văn hóa," Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bước vào đấu trường quốc tế.
Giáo sư Lee Ji-young của Đại học Ngoại ngữ nhận định giải Nobel Văn học có thể là cơ hội để Hàn Quốc mở rộng hơn nữa tầm nhìn của những người làm văn hóa, thoát khỏi cách hiểu hạn hẹp về việc "kiếm tiền nhanh chóng" và đưa ra những gợi ý nhằm thúc đẩy tổng thể nền văn hóa Hàn Quốc./.