Syria: HTS tiên phong giải tán đơn vị vũ trang, sáp nhập vào quân đội quốc gia
Lãnh đạo quân sự nhóm Hayat Tahrir al-Sham ở Syria khẳng định: “Ở bất kỳ quốc gia nào, các đơn vị quân sự phải được tích hợp vào hệ thống nhà nước và HTS sẽ là những người tiên phong.”
Ngày 8/12 đánh dấu bước ngoặt lịch sử tại Syria khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau hơn 13 năm quốc gia chìm trong xung đột.
Cuộc tấn công chớp nhoáng của liên minh vũ trang do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã thay đổi hoàn toàn cục diện.
Tuy nhiên, tương lai của Syria vẫn đối mặt với vô số thách thức lớn về chính trị, kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS - tuyên bố nhóm này sẽ tiên phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia.
Ông khẳng định: “Ở bất kỳ quốc gia nào, các đơn vị quân sự phải được tích hợp vào hệ thống nhà nước và HTS sẽ là những người tiên phong.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng các khu vực do người Kurd kiểm soát sẽ được hội nhập dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới tại Syria, đồng thời bác bỏ mọi hình thức liên bang hoặc chia cắt lãnh thổ.
Ông nêu rõ: “Người Kurd là một phần không thể tách rời của dân tộc Syria. Syria sẽ không bị chia rẽ và sẽ không tồn tại các thực thể liên bang.”
Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, Syria vẫn tiếp tục đối mặt với căng thẳng khu vực, đặc biệt tại biên giới phía Bắc.
Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự tại thành phố Kobani nhằm giảm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. SDF cũng đã rút khỏi Manbij, một thành phố chiến lược mà lực lượng này từng kiểm soát từ năm 2016.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các biện pháp an ninh chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, do ngại về sự hiện diện của lực lượng người Kurd mà họ coi là “khủng bố.” Nước này cũng đang tăng cường cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho làn sóng hồi hương của người tị nạn Syria.
Cộng đồng quốc tế thúc đẩy một chính phủ toàn diện
Cộng đồng quốc tế đang tích cực tham gia quá trình chuyển giao chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như tại Libya hay Iraq.
Đức và Pháp đã cử phái đoàn đến Damascus để thảo luận với lãnh đạo mới của Syria, thảo luận về việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số và thúc đẩy một chính phủ toàn diện. Cờ Pháp lần đầu tiên được kéo lên tại đại sứ quán của nước này ở Damascus sau 12 năm gián đoạn.
Mỹ cũng đóng vai trò trung gian trong việc gia hạn lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và SDF tại thành phố Manbij.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tương lai Syria, tập trung vào việc xây dựng một chính phủ không tồn tại các lực lượng vũ trang độc lập.
Trung Quốc và Nga cam kết hỗ trợ Syria đạt được hòa bình lâu dài. Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc - ông Cảnh Sảng đã kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích của Israel, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho Syria tái thiết quốc gia.
Các diễn biến tại Syria đang tạo ra một "thực tế hoàn toàn mới" như nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria - ông Geir Pedersen. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những trở ngại lớn và căng thẳng gia tăng có thể đe dọa những tiến bộ mong manh vừa đạt được.
Hiện hơn 16 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo khi các cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, nước và y tế gần như bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, các cuộc không kích của Israel vào các cơ sở quân sự tại Syria đã làm gia tăng bất ổn trong khu vực./.