Sụt kho gạo ở Cần Thơ: Tạm ngưng giao thông trên kênh Thốt Nốt và đường tỉnh 921

Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ chỉ đạo lực lượng chức năng tạm ngưng cho các phương tiện đường bộ và đường thủy lưu thông qua kênh Thốt Nốt và đường tỉnh 921.

Nhà kho của Công ty Lương thực Hưng Phước bị sụt lún sâu so với mặt đường tỉnh 921. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Chiều 19/4, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sụt lún kho gạo tại huyện Cờ Đỏ, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Hiện giao thông đường bộ và đường thủy qua vị trí sụt lún đang được tạm dừng.

Như tin đã đưa, chiều 18/4, trên đường tỉnh 921 đoạn qua địa bàn xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ xảy ra vụ sụt lún nhà kho của Công ty Cổ phần Lương thực Hưng Phước.

Kho gạo nói trên nằm trên mặt tiền tuyến đường tỉnh 921, phía sau là kênh Thốt Nốt.

Đoạn sụt lún dài hơn 135m, rộng hơn 11m, tổng diện tích hơn 1.500m2.

Sụt lún làm nứt bề mặt đường 921 với chiều dài ảnh hưởng khoảng 48m, rộng 3,5m, tổng diện tích 168m2.

Kho gạo của Công ty Lương thực Hưng Phước (bên phải) bị sụt lún, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Hiện vị trí sụt lún nói trên đang diễn biến phức tạp, trên mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt và đang tiếp tục tan rộng.

Do kho gạo được doanh nghiệp xây kè kiên cố để bảo vệ phía kênh Thốt Nốt nên không bị sạt xuống kênh còn phần tiếp giáp với đường tỉnh 921 đã bị lún xuống sâu so với mặt đường.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết căn cứ vào diễn biến thực tế, vụ sụt lún nhà kho của Công ty Lương thực Hưng Phước được xếp loại sạt lở nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng gồm tuyến đường tỉnh 921 và hệ thống điện trung thế.

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ," sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ, Ủy ban Nhân dân xã Trung Hưng đã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp cùng doanh nghiệp tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, tài sản đến nơi an toàn, lắp đặt biển báo, căng dây cảnh báo đồng thời thông báo cho người dân sinh sống trong khu vực biết để chủ động phòng chống.

Trong sáng 19/4, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cùng Sở Giao thông Vận tải đã khảo sát hiện trường, theo dõi, chỉ đạo khắc phục thiệt hại.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, cho biết tuyến đường tỉnh 921 và kênh Thốt Nốt do Sở quản lý.

Sau khi sạt lở xảy ra, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tạm ngưng cho các phương tiện đường bộ và đường thủy lưu thông qua khu vực này; tiến hành điều tiết phương tiện đi theo các tuyến khác, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân sự cố để đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất; trước mắt sẽ phối hợp với doanh nghiệp tháo dỡ nhà kho để giảm tải trọng lên bờ sông.

Kênh Thốt Nốt là tuyến đường thủy chính từ sông Hậu qua địa bàn, số lượng tàu thuyền qua lại hàng ngày rất lớn.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết sau khi cơ quan chức năng đánh giá nếu đảm bảo an toàn sẽ cho khôi phục giao thông trên kênh Thốt Nốt, đồng thời cử lực lượng điều tiết để đảm bảo an toàn giao thông, không để ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Công nhân tháo dỡ kho gạo bị sụt lún trong ngày 19/4. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đại diện Công ty Cổ phần Lương Thực Hưng Phước cho biết nhà máy mỗi ngày sản xuất khoảng 1.000 tấn gạo.

Sau khi nhà kho bị sút lún, hiện mọi hoạt động của công ty đã phải tạm ngưng, thiệt hại khá lớn.

Công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng tháo dỡ, di dời tài sản tại vị trí sạt lở để sớm hoạt động trở lại, không để ảnh hưởng đến người lao động.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 5 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch.

Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 4 vụ, ảnh hưởng hơn 14 căn nhà và một kho gạo.

Trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó, đặc biệt chú trọng đến phương châm "4 tại chỗ" cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội trong cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai./.