Sức sống bền bỉ qua hàng trăm năm của làng nghề tơ lụa Nha Xá
Được hình thành vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, sản phẩm lụa mềm, mịn, bền, thiết kế tinh tế của làng nghề tơ lụa Nha Xá (Hà Nam) cũng nổi tiếng không kém lụa Vạn Phúc (Hà Nội).
Làng lụa Nha Xá thuộc xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Với sản phẩm lụa mềm, mịn, bền, thiết kế tinh tế, lụa Nha Xá cũng nổi tiếng không kém lụa Vạn Phúc (Hà Nội).
Theo sử sách, làng lụa Nha Xá được hình thành vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Nhân dân nơi đây thờ danh tướng Trần Khánh Dư là ông tổ truyền nghề.
Theo truyền thuyết, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông xâm lược thắng lợi, danh tướng Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại thôn Dưỡng Hòa, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên (nay là phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên), sau đó ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa và tu ở đấy.
Danh tướng Trần Khánh Dư còn dạy dân địa phương nghề ươm cá bột và ươm tơ dệt lụa. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ, dệt lụa ra đời phục vụ nhu cầu lúc đó là dệt săm - nguyên liệu để may vợt xúc cá. Sau đó dần phát triển lên nghề dệt lụa.
Đến đầu thế kỷ 18, các lái buôn ở Sài Gòn-Chợ Lớn đã đến làng Nha Xá để đặt hàng bởi chất lụa non tơ, óng mượt nức tiếng nơi đây. Nhưng thời điểm thịnh vượng nhất của làng lụa Nha Xá là năm 1920 khi sản phẩm lụa làm ra bao nhiêu được đưa ra nước ngoài bấy nhiêu.
Năm 1931, lụa Nha Xá đã xuất hiện tại Hội chợ ở Phnom Penh (Campuchia). Năm 1938, dự Hội chợ Huế. Năm 1935, có 6 nhà tư sản Nha Xá có cửa hàng bán lụa ở Sài Gòn, Hong Kong… Năm 1939, nghề dệt, nghề cá ở đây đều phát triển thịnh vượng. Đến năm 1959, phong trào hợp tác xã phát triển, cả Nha Xá là một hợp tác xã.
[Nghề dệt lụa Vạn Phúc qua 10 thế kỷ khẳng định thương hiệu]
Sau thời kỳ phát triển thịnh vượng, nghề lụa Nha Xá cũng có những khi sa sút. Cuối những năm 80, làng nghề chỉ còn lại một số hộ gia đình dệt sản phẩm thông dụng như khăn, màn. Khi kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường vào năm 1986, người dân làng nghề gặp nhiều khó khăn khi phải tự bươn chải từ khâu tìm nguyên liệu, máy móc rồi đến đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, nhờ lòng yêu nghề và quyết tâm giữ nghề truyền thống của làng, sau nhiều khó khăn, những người con Nha Xá đã tìm được hướng đi cho sản phẩm. Người dân cải tiến máy móc nhập về các loại tơ có chất lượng cao cấp hơn, dệt ra những tấm vải đẹp hơn, bền hơn. Các sản phẩm làm ra ngày càng bán chạy hơn, đưa làng lụa Nha Xá hồi sinh.
Trước đây, quy trình kỹ thuật của nghề dệt lụa Nha Xá trước đây trải qua các bước từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tuy vậy, trải qua quá trình thăng trầm, nghề dệt lụa Nha Xá đã cải tiến một số các công đoạn kỹ thuật nên công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn mà nhập nguyên liệu từ nơi khác, còn Nha Xá chỉ chuyên tâm dệt lụa.
Nhờ việc nhập nguyên liệu nên làng lụa Nha Xá có thêm nhiều mặt hàng mới như lụa, đũi, tơ xe, lụa hoa, lanh… với chất lượng, mẫu mã sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Điều đặc biệt của lụa Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không... để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.
Quy trình dệt lụa ở Nha Xá cũng đã dùng máy móc thay thế sức người, nhưng người thợ ở đây vẫn duy trì kỹ thuật dệt lụa trơn và dệt lụa hoa theo các bước cơ bản của truyền thống thông qua các công đoạn như quay tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt, tẩy chuội, nhuộm, hấp, làm nguội, phơi lụa…
Ngày nay, quy mô sản xuất của làng lụa Nha Xá được mở rộng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều gia đình đóng thêm máy dệt hoặc thay khung gỗ thành khung sắt.
Trước đây, mỗi hộ gia đình dệt lụa phải làm đủ các công đoạn, nay đã chuyển sang chuyên môn hóa. Mỗi hộ chỉ chuyên tâm vào một khâu như hộ dệt chỉ dệt, hộ nhuộm chuyên nhuộm. Vì vậy chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn, mẫu mã phong phú, đa dạng. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh…
Ngoài ra, làng Nha Xá còn chú ý đến may các sản phẩm từ lụa để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, như áo dài, khăn quàng cổ, cà vạt, khăn lụa đũi dâu, chăn và gối lụa tơ tằm thêu hoa, chăn và gối lụa tơ tằm thêu bóng, túi, ví, balô làm từ lụa.
Nghề dệt lụa Nha Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là động lực để nghề dệt truyền thống Nha Xá tiếp tục phát huy những giá trị của mình và hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai./.