Sửa đổi Luật Dược: Chính phủ đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội
Nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc, đề xuất cấm bán thuốc trên các trang mạng xã hội.
Chiều 18/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo đó, thay vì phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc, Chính phủ quy định chi tiết yêu cầu đối với nội dung này. Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc, đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội…
Quảng cáo thuốc sai sự thật: Trách nhiệm thuộc về ai?
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 44 điều/116 điều của Luật hiện hành; nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc quy định của 11/14 chương. Tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách mới: quy định kinh doanh dược phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua hàng online; cấm kinh doanh trên mạng xã hội; quy định mới về chứng chỉ hành nghề dược; quản lý giá dược phẩm; quản lý “oxy y tế”…
Các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Hiện thông tin quảng cáo thuốc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt và theo tài liệu, hướng dẫn chuyên môn do Bộ ban hành, công nhận. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng bản chất của việc xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc là xác nhận nội dung đã phê duyệt, là thủ tục hành chính cần cắt giảm để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Song, đa số thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) lại không đồng thuận với đề xuất này, bởi cho rằng chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm” như vậy không phù hợp.
Thực tế không chỉ bởi quảng cáo thuốc hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp quảng cáo không đúng giá trị, công dụng làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý người dân, người bệnh, mà việc thanh tra, kiểm tra cũng chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời do hạn chế về nhân lực ở cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương.
Các đại biểu đề xuất kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm,” bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Không được kinh doanh thuốc trên mạng xã hội?
Trước đó, ngày 17/6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng; người bán phải đăng tải thông tin thuốc phù hợp với quy định về quảng cáo thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Người kinh doanh thuốc online cũng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin người mua theo quy định về an ninh mạng; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc phải đúng quy định. Dự thảo nêu rõ “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác” ngoài luật này…
Thẩm tra nội dung nêu trên, Ủy ban Xã hội cũng cho rằng việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua/bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Đáng chú ý, Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử và trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng; việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin người mua hàng.
Ủy ban xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân./.