Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn cuộc sống
Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí 2016 chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động.
Luật Báo chí 2016 là một trong những văn bản quan trọng về hoạt động báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành, luật này đã gặp phải một số hạn chế và vấn đề cần được giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho hay trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí.
Chính vì vậy tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016" được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý đã có những ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung để đạo luật này phát huy tối đa trong thực tiễn.
Cần mở rộng đối tượng quản lý
Tiến sỹ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay. Tuy nhiên, Luật vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí.
[Chuyên gia, nhà báo tham gia góp ý chỉnh sửa Luật Báo chí 2016]
Có thể kể đến như có nên phân cấp "Thẻ nhà báo" và "Thẻ phóng viên" hay không. Hay có nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tổ hợp có thể có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản trực thuộc, hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững - Nguyên Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đề nghị không gọi là Luật Báo chí mà nên gọi là Luật về các phương tiện truyền thông đại chúng. Luật sẽ điều chỉnh tất cả, không chỉ là báo chí mà cả các đối tượng như người nổi tiếng (KOLs), những địa chỉ trên mạng xã hội để chế độ công khai...
Đồng tình với ý kiến đó, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết nên đổi là Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đối tượng chính: Báo chí - các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin; truyền thông liên nhân cách trong hệ sinh thái số; truyền thông xã hội.
Theo hướng này, cần bổ sung các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ của báo chí số (ví dụ: Sản phẩm báo chí số, sản phẩm truyền thông xã hội, sản phẩm, dịch vụ truyền thông liên nhân cách, sản phẩm truyền thông đại chúng, sản phẩm truyền thông xã hội, nền tảng báo chí truyền thông, báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh việc cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số.
Cần bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; bổ sung quy định thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không đảm bảo các điều kiện hoạt đông...
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) lại nhấn mạnh việc cần có quy định về báo in, tạp chí in, báo điện tử và tạp chí điện tử.
Bà Hằng cũng cho rằng cần có quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; quy định về việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí; quyền và nghĩa vụ của nhà báo và điều kiện, quy định được cấp thẻ nhà báo; quy định về cải chính trên báo chí.
Ngoài ra, những vấn đề về công nghệ truyền thông mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, báo chí dữ liệu,... chưa được đưa vào trong Luật Báo chí năm 2016, đòi hỏi luật báo chí mới cần bổ sung thêm nhiều nội dung thông tin.
Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Theo bà Nguyễn Phạm Thanh Hoa - Công ty Luật TND Legal và bà Nguyễn Lê Thị Ngọc Ánh - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi số là tất yếu đối với hầu hết các lĩnh vực và báo chí cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của bối cảnh này. Để bắt kịp với thời đại công nghiệp 4.0 với các công cụ thông minh hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo, để thích ứng một cách linh hoạt với các thay đổi của xã hội hiện nay thì Luật Báo chí năm 2016 cần cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung thêm nội dung về thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.
Nội dung này có thể là nhiệm vụ và quyền hạn của các chủ thể trong bối cảnh chuyển đổi số như cơ quan báo chí, tổ chức tham gia báo chí và các cá nhân có liên quan cần tích cực áp dụng các công nghệ của quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong hoạt động báo chí hay định nghĩa chuyển đổi số.
Ông Lê Trần Nguyên Huy - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Nhà báo và Công luận cũng cho biết báo chí đang được khuyến khích chuyển đổi số mạnh mẽ thì Luật Báo chí cũng phải được bổ sung theo hướng tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, ông Huy cho biết sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ trí tuệ như AI sẽ có những tác động căn bản tới hoạt động báo chí, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, vì vậy cần thiết phải có những bổ sung, sửa đổi về Luật để báo chí hiện đại vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực.
Ông Huy cũng đề xuất việc sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 4 loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị.
Nói về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, đại diện Báo Thanh Niên cho biết nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp với việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số./.