Sự thật bất ngờ về lý do vận động viên nôn “10 lần” sau khi bơi trên sông Seine
Vận động viên Tyler Mislawchuk đã chính thức lên tiếng về sự việc này, theo đó chất lượng nước sông Seine không phải nguyên nhân khiến anh bị nôn.
Mới đây, sự kiện Tyler Mislawchuk, vận động viên Olympic người Canada đã bị camera ghi lại cảnh nôn mửa tại vạch đích của cuộc đua ba môn phối hợp nam được thực hiện bên dòng sông Seine, đã khiến dư luận xôn xao.
Sự việc này khiến nhiều người cho rằng mức độ ô nhiễm của dòng nước trên sông Seine là nguyên nhân khiến cho vận động viên này bị nôn mửa.
Trước đó, ban tổ chức Olympic Paris đã chi tới 1,3 tỷ euro để làm sạch nước sông Seine, với kỳ vọng những cuộc thi đấu bơi lội được tổ chức trên sông Seine sẽ đem lại những ấn tượng độc đáo chưa từng có từ trước tới nay trong các kỳ Thế vận hội.
Và nỗ lực này cũng đã đem lại một số thành quả xứng đáng. Đó là những bức ảnh tuyệt đẹp chụp những vận động viên đang vươn người hoặc sải tay mạnh mẽ giữa dòng sông, phía xa là cây cầu cổ kính phản chiếu ánh nắng, xa hơn nữa là ngọn tháp biểu tượng đang vươn mình giữa bầu trời xanh.
Tuy nhiên, những thước phim ghi lại tình trạng nôn mửa của Tyler Mislawchuk đã khiến người xem bày tỏ sự lo ngại về chất lượng nước trên dòng sông, cũng như độ an toàn của cuộc thi.
Nhưng trái ngược với nhiều suy đoán, Tyler Mislawchuk đã chính thức lên tiếng về sự việc này, theo đó chất lượng nước sông Seine không phải nguyên nhân khiến anh bị nôn, là do tình trạng nhiệt độ cao mà các vận động viên thường gặp phải trong những vòng chạy cuối cùng của cuộc đua ba môn phối hợp bơi-đạp xe-chạy.
“Lúc đó cảm giác nóng khủng khiếp khi chạy là tất cả các yếu tố, thách thức mà bạn có thể cảm nhận được,” anh cho biết.
Anh nói thêm: 'Chúng tôi đã bơi ở đây vào năm ngoái trong sự kiện thử nghiệm và tôi không gặp vấn đề gì. Rõ ràng tôi không phải là bác sỹ, cũng không phải là chuyên gia về nước, vì vậy, đối với tôi, bất cứ điều gì đọc trên tin tức đều không thực sự quan trọng.”
Trên thực tế, điều mà vận động viên này than phiền lại là về dòng chảy của nước.
“Dòng chảy chắc chắn là vấn đề lớn nhất,” anh nói. Nước chảy quá mạnh. “Cảm giác như bạn đang bơi trong một bộ phim quay chậm và bạn bị mắc kẹt trong cơn ác mộng đó.”
"Cuộc đua thật kỳ lạ. Đó là những dòng nước điên cuồng khó đối phó, và sau đó là một đường đua xe đạp ướt sũng vì mưa vào buổi sáng,” anh nhận xét.
“Nhưng đó là ba môn phối hợp. Bộ môn này được tổ chức ở tất cả các địa điểm trên toàn thế giới, trên các loại đường đua khác nhau. Và vì vậy tôi nghĩ đến câu nói nổi tiếng ‘Thích nghi hay là chết,’ đó là tất cả những gì bạn phải làm trong loại hình thi đấu này.”
Tuy nhiên, trái ngược với Tyler Mislawchuk, một nữ vận động viên người Bỉ, lại bày tỏ sự phẫn nộ sau khi thực hiện bài thi bơi trên sông Seine.
Nữ vận động viên ba môn phối hợp Jolien Vermeylen chia sẻ cảm giác “ghê sợ”sau khi bơi trên dòng sông và “cảm thấy và nhìn thấy những thứ mà chúng ta không nên nghĩ đến."
Jolien Vermeylen, đại diện cho Bỉ tại Thế vận hội năm nay, cho biết cô cảm thấy có mảnh vụn trong nước khi bơi 1.500m trên dòng sông mang tính biểu tượng của Pháp trong cuộc thi ba môn phối hợp dành cho nữ vào ngày 31/7.
Vermeylen về đích ở vị trí thứ 24. Cô cho biết cô đã uống rất nhiều nước trong cuộc đua và lo lắng về những gì nó sẽ ảnh hưởng đến cơ thể cô.
Vận động viên Olympic lần đầu tiên 30 tuổi này cho biết cô đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước cuộc đua.
“Tôi đã uống men vi sinh, tôi đã uống Yakult, tôi không thể làm gì hơn. Tôi đã có ý định không uống nước, nhưng tôi đã thất bại."
Hầu hết các khu vực trên sông Seine đã bị cấm bơi lội kể từ năm 1923. Để chuẩn bị cho "giấc mơ" bơi trên sông Seine, chính quyền Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp để làm sạch dòng nước trên con sông này.
Tuy nhiên, những cơn mưa lớn sau lễ khai mạc đã khiến trong nước xuất hiện nhiều vi khuẩn, khiến cuộc thi phải hoãn lại một ngày do chất lượng nước kém.
Sau đó, các nội dung thi đấu Ba môn phối hợp tại Olympic Paris 2024 vẫn được tiến hành vào ngày 31/7, sau khi kết quả kiểm tra nước sông Seine mới nhất cho thấy nồng độ vi khuẩn E.coli đã giảm bớt, chấm dứt mối lo ngại nhiều ngày qua./.