Sự kiện BlackPink: Có là 'cú hích' cho công nghiệp văn hóa Việt Nam?
Khán giả dường như vẫn còn ngây ngất vì dư âm của buổi biểu diễn đọng lại. Những người làm văn hóa thì ngưỡng mộ, xuýt xoa vì thành công “không tưởng” của BlackPink.
Hai đêm nhạc Born Pink World Tour Hanoi đã khép lại nhưng BlackPink vẫn tiếp tục “chiếm sóng” truyền thông Việt Nam nhiều ngày sau sự kiện.
Khán giả dường như vẫn còn ngây ngất vì dư âm của buổi biểu diễn đọng lại. Những người làm văn hóa thì ngưỡng mộ, xuýt xoa vì thành công “không tưởng” của BlackPink. Nhóm nhạc K-pop đến Việt Nam mạnh mẽ, ồn ào như một làn sóng và rời đi sau khi nhẹ nhàng thu được vài trăm tỷ đồng tiền bán vé, chi phí bản quyền đã hoàn thành đầy đủ.
“Trông người mà ngẫm đến ta,” nền công nghiệp văn hóa giải trí của Việt Nam học được gì sau sự kiện BlackPink?
Bài 1: BlackPink – món lạ trong ‘thực đơn’ văn hóa của người Việt
Sát giờ biểu diễn đêm nhạc, tôi hối hả chạy dọc lối đi ven Sân Vận động Mỹ Đình để tìm lối vào vị trí ngồi của mình. Thỉnh thoảng, khán giả trong sân lại rộ lên những tràng pháo tay, những tiếng hét phấn khích xen lẫn tiếng nhạc sôi động khiến tôi nhầm tưởng nhóm nhạc BlackPink đã xuất hiện và đang chạy thử sân khấu chăng.
Thì ra là không phải, màn hình lớn đang phát lại những hình ảnh của nhóm, chạy các MV (video ca nhạc) đã từng “làm mưa làm gió” các bảng xếp hạng. Chỉ có vậy, dù ca sỹ chưa hề xuất hiện trên sân khấu, khán giả đã vô cùng hào hứng.
Trong suốt chương trình, khán giả liên tục nhảy, hò hét, hát theo các giai điệu. Kể cả những lúc sân khấu “chết” vì các ca sỹ lui vào trong giải lao, thay trang phục, màn hình lại chiếu các hình ảnh, clip mà không khí trong sân không hề “hạ nhiệt” chút nào.
Không chỉ là chuyện 'đu' idol
Tiến sỹ Thi Gammon, hiện công tác tại King's College London (Anh), chuyên nghiên cứu về làn sóng Hàn Quốc trên thế giới, cho rằng đêm nhạc BlackPink tạo ra một “cơn sốt” bởi không nhiều nhóm nhạc quốc tế đến Việt Nam biểu diễn khi đang ở đỉnh cao phong độ.
Thêm vào đó, đời sống kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Người dân không chỉ quan tâm đến cơm ăn, áo mặc, du lịch mà còn có thể chi trả cho văn hóa trải nghiệm, có “thực đơn” văn hóa đa dạng hơn, có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, trải nghiệm những hoạt động mang lại cảm xúc thú vị, mới mẻ.
“Hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa cũng khiến người dân trở nên cởi mở hơn. Việc tụ tập ở sân vận động, cùng ‘cháy’ hết mình với bạn bè, người thân trong một đêm nhạc là trải nghiệm đáng nhớ và họ sẵn sàng bỏ tiền mua vé,” Tiến sỹ Thi Gammon phân tích.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, chị Thi cho hay phần lớn khán giả là thanh thiếu niên có bố mẹ ở lứa tuổi 7X, 8X tức là đã từng được biết đến và yêu thích văn hóa Hàn Quốc thông qua phim ảnh, âm nhạc từ những năm 90. Đối tượng này có khả năng kinh tế để mua vé cho mình và con mình cùng đi xem để có những giây phút cả gia đình cùng chia sẻ một trải nghiệm, một cảm xúc.
Đối với họ, hai tiếng đồng hồ sống trong âm nhạc và sự hưng phấn cùng bạn bè, người thân là xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra.
Với những người làm nghệ thuật như đạo diễn Phạm Hoàng Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí VietnamShow thì việc đi xem các chương trình nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài là một nhu cầu thường xuyên. Anh cho rằng nhiều người Việt Nam cũng đang có thói quen này.
“Nhiều năm qua, tôi và các khán giả Việt Nam thường sang Thái Lan hay Singapore để xem các chương trình nghệ thuật quốc tế. Ngoài vé vào cửa, chúng tôi còn phải bỏ thêm chi phí vé máy bay, ăn ở… May mắn là bây giờ tôi có thể xem các show quốc tế tại Việt Nam, rõ ràng là chi phí rẻ hơn nhiều so với việc xem ở nước ngoài,” đạo diễn bày tỏ.
Anh khẳng định rằng sau đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội thì khán giả Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng “chịu chi” và Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến trên bản đồ nghệ thuật thế giới để sau này, các đơn vị tổ chức quốc tế cân nhắc đến.
“Không phải ‘đu trend’ hay sính ngoại mà đơn giản là khán giả Việt Nam đang thích những thứ mà cả thế giới thích,” đạo diễn khẳng định.
‘Cơn sốt’ BlackPink: Giải mã để học hỏi
Không phải tự nhiên mà một nhóm nhạc dành được sự yêu mến đến vậy trên toàn thế giới. Cũng không ngoa khi nói rằng BlackPink là “cỗ máy in tiền” được sản xuất từ nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Từ thập niên 90, Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) bắt đầu nở rộ với sự phủ sóng của phim truyền hình (K-drama) và âm nhạc Hàn Quốc (K-pop).
Đến nay, K-pop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Hàn Quốc. K-pop cũng kéo theo sự quan tâm đặc biệt của khán giả quốc tế dành cho Hàn Quốc ở mảng du lịch, học tiếng Hàn, thời trang hay ẩm thực. Theo Korea Times, các chuyên gia kinh tế ước tính, ngành công nghiệp K-pop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm.
Đằng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám “xứ kim chi” chính là một “cỗ máy” được vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản.
Theo Tiến sỹ Thi Gammon, các công ty quản lý nghệ sỹ Hàn Quốc đều hướng đến việc xây dựng hình ảnh thần tượng hoàn hảo, đa năng.
Chính vì vậy, bên cạnh các việc luyện thanh nhạc, họ phải trải qua các lớp học vũ đạo, kỹ năng trình diễn trên sân khấu, cách giao tiếp với khán giả hay thậm chí là diễn xuất. Các nghệ sỹ đều được đầu tư nhiều vào yếu tố ngoại hình như phục trang biểu diễn, cách trang điểm, phong cách thời trang.
Để có được một nghệ sỹ biểu diễn chuyên nghiệp như vậy, các doanh nghiệp đã chiêu mộ nhân tài từ khi họ còn ở tuổi teen tức là khoảng 13 tuổi. Các thực tập sinh bắt đầu đi vào “guồng máy” đào tạo, làm quen với sức ép của một nghệ sỹ.
Tiến sỹ Thi Gammon cho rằng Hàn Quốc đã có nền kinh tế phát triển làm “đòn bẩy” cho một chiến lược đầu tư bài bản từ cách đây vài chục năm bằng nhiều chính sách đầu tư, cung cấp nguồn lực kinh tế và gửi nhân tài đi học ở nước ngoài.
[Hàng vạn người đổ về SVĐ Mỹ Đình xem concert của BlackPink]
Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn Phạm Hoàng Giang, cho rằng các nghệ sỹ Hàn Quốc thực sự có tài năng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt, người viết bài hát và nhà sản xuất của nhóm nhạc rất giỏi trong việc chọn bài và hòa âm, cho ra đời những giai điệu bắt tai, khiến ai cũng có thể nhún nhảy và hát theo.
“Công nghiệp giải trí của Hàn Quốc rất mạnh nhưng nếu bạn không có tài năng thực sự và lao động nghiêm túc thì cũng không thể nào tỏa sáng được. Tôi đã từng xem bộ phim về BlackPink và thấy được 4 cô gái đã phải trải qua sự chọn lọc cũng như khổ luyện thế nào,” đạo diễn chia sẻ.
Việt Nam đã sẵn sàng?
Từ năm 2016, chúng ta đã có “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” song thực tế còn quá nhiều rào cản khiến công nghiệp văn hóa vẫn chưa thể “cất cánh.”
Hào quang của BlackPink và nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc khiến cả thế giới phải “ngả mũ” chứ không riêng gì Việt Nam. Born Pink World Tour Hanoi có thể là một cú hích cho công nghiệp văn hóa Việt Nam và liệu chúng ta có được những bài học kinh nghiệm gì từ sự kiện này?
Trả lời Báo Điện tử VietnamPlus, nhà nghiên cứu âm nhạc-nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho rằng riêng ngành văn hóa không thể tạo nên được một ngành công nghiệp văn hóa mà còn phải có sự chung sức hết sức nghiêm túc của nhiều bộ ngành có liên quan. Tất cả cùng tham gia một chiến lược có quy mô quốc gia, chia thành nhiều giai đoạn.
Chiến lược bài bản với tầm nhìn dài hạn từ đạo tạo, đầu tư, quảng bá... này chính là điều mà các nhà quản lý văn hóa cần ghi nhận, nghiên cứu và học hỏi một cách nghiêm túc.
Theo ông Long, trước tiên Việt Nam phải tạo “đường thông hè thoáng” cho quy trình tổ chức các chương trình nghệ thuật.
Ở góc độ chuyên môn, những người làm văn hóa cần tìm ra hướng đi “vừa riêng lại vừa chung”, để những sản phẩm âm nhạc vừa dễ hội nhập vừa có bản sắc riêng để khán giả bên ngoài biên giới Việt Nam cũng có thể nhận biết được xuất xứ của bản nhạc đó.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cũng cho rằng Nhà nước phải “quy hoạch” hoạt động âm nhạc bao gồm sáng tác, xuất bản âm nhạc, nền tảng xuất bản, biểu diễn… đều cần có những quy định chi tiết và phù hợp.
Thêm nữa, ông Long đề cập đến sự liên kết đa ngành để khai thác được nhiều nguồn lợi. Chẳng hạn, “hệ sinh thái” BlackPink bao gồm âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm. Ngay trong sự kiện đêm nhạc, doanh nghiệp có thể kinh doanh các mặt hàng liên quan đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước Hàn Quốc, tiềm năng du lịch.
“Lợi nhuận không chỉ đơn thuần đến từ âm nhạc, mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác phái sinh từ hoạt động âm nhạc đó,” ông Long nhấn mạnh.
Về nhân tố tài năng của công nghiệp văn hóa, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho rằng Việt Nam không nên đi theo công thức của K-pop, đào tạo ra những nhóm nhạc hát hay, nhảy đẹp vì điều đó chỉ khiến âm nhạc Việt Nam trở thành một bản “fake” (hàng nhái) mà thôi.
“Mô hình này có thể có lợi cho một vài cá nhân nhưng không bền vững, không có lợi trên một bình diện rộng hơn là nền âm nhạc đại chúng. Chúng ta có thể học hỏi nhưng phải áp dụng dựa trên nghiên cứu và sự phù hợp. Hàn Quốc đã học hỏi công thức của nhạc trẻ Âu Mỹ nhưng họ đã tìm ra được hướng đi riêng, có một dòng nhạc mà nhắm mắt nghe cũng biết đó là K-pop,” ông Long phân tích.
Đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất Nguyễn Việt Thanh cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể là có cơ chế đầu tư và đào tạo nhân lực.
Bản thân bà cùng các đạo diễn Việt Tú, Hoàng Công Cường… đã tự bỏ tiền túi đi ra nước ngoài xem các chương trình nghệ thuật, học hỏi, khảo sát để rút kinh nghiệm cho các sản phẩm của mình.
“Chính phủ Hàn Quốc đã xác định đầu tư cho văn hóa tức là phải đầu tư về con người. Muốn được như họ, chúng ta phải có sự tuyển chọn và đào tạo từ hôm nay. Đây là yếu tố then chốt, tất cả công nghệ chỉ là yếu tố phụ trợ,” đạo diễn Nguyễn Việt Thanh bày tỏ.
Hiệu ứng BlackPink tại Hà Nội đã thể hiện sự đa dạng trong thị hiếu âm nhạc của người dân, khả năng tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm âm nhạc quốc tế cũng như khả năng chi trả để thưởng thức nghệ thuật. Sau đây, các nghệ sỹ quốc tế cũng sẽ cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các điểm đến trong tour lưu diễn của mình, bên cạnh một số thị trường quen thuộc như Thái Lan, Singapore…
Vậy, liệu Việt Nam đã sẵn sàng ghi tên mình vào bản đồ công nghiệp văn hóa giải trí? Phải làm gì để tận dụng cơ hội từ những chương trình biểu diễn quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước và làm giàu kinh tế quốc gia?
Bài sau, Báo Điện tử VietnamPlus sẽ trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này./.