Sự cố ở Đèo Cả: Thêm phương án khoan từ sườn núi để bơm bêtông lấp điểm sạt lở
Đây là giải pháp được đưa ra sau khi việc khắc phục trong hầm gặp nhiều khó khăn, liên tục sạt lở thêm. Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ ngành đường sắt khắc phục sự cố, sớm thông tuyến.
Sau ba ngày xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (thuộc Đèo Cả, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), các lực lượng chức năng đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện 24/24 giờ khắc phục sự cố trên tuyến đường sắt nối hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa.
Đáng chú ý, ngành đường sắt bổ sung phương án khoan từ trên sườn núi, bơm bêtông xuống hầm đường sắt Bãi Gió để gia cố, khắc phục sạt lở.
Đây là giải pháp được đưa ra sau khi việc khắc phục trong hầm gặp nhiều khó khăn, liên tục sạt lở thêm.
Tại phía Nam hầm Bãi Gió, các lực lượng tiếp tục gia cố bằng khung sắt và phun bê tông trong hầm. Phía trên Đèo Cả, các đơn vị xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt, sau đó bơm phun bêtông để gia cố.
Phía đầu Bắc hầm Bãi Gió, các lực lượng tiếp tục đưa khung sắt vào đoạn sạt lở để gia cố. Tuy nhiên, công tác khắc phục đang rất khó khăn, các tầng địa chất phức tạp, hiện chưa xác định thời gian hoàn thành việc khắc phục để thông hầm.
Ngày 15/4, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tiếp cận sườn núi Đèo Cả - nơi hàng chục công nhân đang tiến hành khoan các mũi xuống hầm. Dù đang trong thời tiết nắng nóng, nhưng các công nhân vẫn tranh thủ thi công cho kịp tiến độ.
Ngoài các mũi thi công ở phía trong hầm đường sắt Bãi Gió, ngay phía trên sườn núi đèo Cả, các lực lượng tiến hành khoan thẳng, sau đó, bơm bêtông vào. Việc làm này nhằm gia cố sườn núi, hạn chế tình trạng sạt lở vào thân hầm.
Ở bên dưới, phía trong hầm, các mũi thi công tiếp tục gia cố, tăng sức chịu lực cho vòm hầm bằng thép.
Kiểm tra và làm việc với các đơn vị của ngành Đường sắt, huyện Vạn Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết sau khi sự cố hầm Bãi Gió xảy ra, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp các đơn vị ngành đường sắt huy động tối đa phương tiện, đảm bảo việc trung chuyển hành khách.
Các đơn vị như Công an, Ủy ban Nhân dân huyện Vạn Ninh đảm bảo tốt an ninh, trật tự trong việc trung chuyển, phân luồng, cấm các phương tiện ôtô qua đèo Cả.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ ngành đường sắt khắc phục sự cố, sớm thông tuyến đường sắt cũng như đường bộ qua Đèo Cả.
Các đơn vị tranh thủ thời tiết nắng ráo để thi công, đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình thi công trên núi cao cũng như trong hầm nhỏ, hẹp.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã động viên các lực lượng của ngành Đường sắt, Công an túc trực tại các tuyến đường liên quan, đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời mong muốn ngành đường sắt nhanh chóng tìm ra phương án khắc phục hiệu quả điểm sạt lở.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ ngành đường sắt khắc phục kịp thời sự cố; khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công cũng như trong quá trình khắc phục sự cố.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết sau khi xảy ra sự cố khoảng 15 giờ, đơn vị đã hàn được khung sắt ở phía trên nóc hầm, đồng thời thu dọn đất đá sạt lở.
Để ngăn chặn đất đá sụt lún tiếp tục xảy ra, đơn vị đã cắm các ống sắt từ trên đỉnh núi xuống; từ trong hầm thực hiện cắm ngang ống sắt vào sâu vách.
Các phương án đều được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, Cục Đường sắt Việt Nam và các chuyên gia đưa ra. Tuy nhiên, do địa chất phức tạp, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Đơn vị nỗ lực cố gắng thông hầm trong thời gian sớm nhất, có thể đến cuối tuần này. Từ khi không cho các phương tiện xe ôtô đi qua các tuyến đường trên hầm đã giúp giảm lượng đất đá rơi xuống hầm.
Tại điểm sạt lở, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cảm ơn hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã bố trí lực lượng hỗ trợ.
Các lực lượng như Công an, Dân quân, Đoàn Thanh niên của cả hai tỉnh đã giúp đảm bảo trật tự qua Đèo Cả, hỗ trợ hai đầu ga Tuy Hòa (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên) và ga Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa), giúp hành khách di chuyển an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.
Đến thời điểm này, hành khách vẫn mua vé đi bình thường và chia sẻ với ngành Đường sắt sự gián đoạn khi di chuyển.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày 13/4 đến nay, mỗi ngày có hơn 3.000 hành khách được trung chuyển qua hai ga nói trên để tiếp tục hành trình Nam-Bắc và ngược lại. Theo đó, đã có tổng số hơn 10.000 lượt hành khách phải trung chuyển bằng ôtô do sự cố sập hầm ở Đèo Cả.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Nha Trang, cho biết đến sáng 15/4, Chi nhánh đã chuyển tải 36 chuyến tàu, với số lượng 10.122 hành khách, do sự cố sập hầm Bãi Gió ở Đèo Cả. Hành khách sẽ đi từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Vạn Giã (Khánh Hòa) và ngược lại.
Theo ông Tùng, Chi nhánh đang huy động xe tải để đưa những loại hàng hóa đông lạnh trên các toa tàu chở hàng di chuyển sang container, xe tải để giao kịp cho khách hàng. Toàn bộ chi phí vận chuyển ngành đường sắt sẽ chi trả, chủ hàng không phải chịu thêm chi phí phát sinh.
Cũng theo ông Trần Việt Tùng, hiện nay, số lượng tàu chở hàng bị ảnh hưởng do sự cố sạt lở rất nhiều, các công ty vận tải đường sắt ưu tiên những hàng nào mau hỏng sẽ chuyển tải bằng ôtô, container cho khách hàng qua điểm sạt lở.
Tàu chở hàng đã tạm ngừng từ ngày 13/4. Các tàu hàng thuộc diện hàng đông lạnh, dễ hư hỏng được tập kết tại ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và ga Hòa Đa (tỉnh Phú Yên). Ngành đường sắt chịu trách nhiệm chi phí chuyển tải này./.