Sự cố bung cửa sổ máy bay MAX 9 càng chất thêm khó khăn cho Boeing
Sự cố bung cửa sổ máy bay 737 MAX 9 sẽ cản trở quá trình phục hồi của Boeing sau đợt dừng khai thác kéo dài đối với 737 MAX trước đó, cùng tình trạng gián đoạn hoạt động do dịch COVID-19.
Sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines với mẫu máy bay Boeing 737 MAX 9 lại đưa Boeing rơi vào thế bất lợi, giữa lúc nhà sản xuất máy bay phản lực đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt các mẫu máy bay mới thuộc dòng MAX bán chạy nhất của họ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm 7/1 cho biết 171 máy bay Boeing 737 MAX 9 sẽ tiếp tục bị dừng khai thác cho đến khi cơ quan này chắc chắn rằng chúng có thể hoạt động an toàn.
Quyết định trên được đưa ra sau khi chuyến bay mang số hiệu Alaska Flight 1282 chở 171 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn xuất phát từ Sân bay Quốc tế Portland, bang Oregon tối 5/1 đã phải quay trở lại chỉ sau 20 phút do gặp sự cố.
Một cửa sổ trên thân máy bay bung ra buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Theo dữ liệu trên trang web theo dõi chuyến bay FlightAware, máy bay đã lên tới độ cao 4.876m và sau đó bắt đầu hạ độ cao.
Các hình ảnh được đăng trên mạng xã hội sau đó cho thấy một cửa sổ của máy bay đã biến mất, trong khi các mặt nạ dưỡng khí khẩn cấp bật ra phía trên các ghế ngồi.
Các nhà điều tra cho biết còn quá sớm để xác định nguyên nhân gây tai nạn cho chiếc máy bay của Alaska Airline.
Song sự cố xảy ra ngay khi Boeing và nhà cung cấp Spirit AeroSystems công ty sản xuất tấm cửa máy bay đang vật lộn với những trì trệ hiện thời trong sản xuất.
Những khó khăn này vốn đã cản trở quá trình phục hồi của Boeing sau đợt dừng khai thác kéo dài đối với 737 MAX trước đó, cùng tình trạng gián đoạn hoạt động do đại dịch COVID-19.
Boeing đang chịu áp lực phải mở rộng danh mục máy bay dòng MAX và thu hẹp khoảng cách với Airbus.
Đối thủ đến từ châu Âu đã mở rộng thị phần kể từ sau hai vụ tai nạn liên quan tới máy bay dòng MAX của Boeing hồi năm 2018 và 2019 khiến gần 350 người thiệt mạng, kéo theo lệnh cấm khai thác trên toàn thế giới trong 20 tháng.
Kể từ khi mẫu 737 MAX bị cấm bay vào tháng 3/2019, cổ phiếu Boeing đã giảm hơn 40% trong khi cổ phiếu Airbus tăng 25% vào cùng giai đoạn.
Lịch sử rắc rối của Boeing MAX đã dẫn đến những cải cách sâu rộng về quy định đối với máy bay tại Mỹ vào năm 2020.
Giới quan sát nhận định sự cố của hãng Alaska Airlines lần này có thể khiến các cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn đối với các vấn đề còn tồn đọng khác trong ngành.
Ông Jeff Guzzetti, cựu điều tra viên tai nạn hàng không Mỹ, cho biết chỉ dấu đầu tiên về hậu quả của sự cố Alaska Airlines sẽ là cách các cơ quan quản lý xử lý giấy tờ chứng nhận cho mẫu MAX 7. Đây là phiên bản nhỏ nhất và bán ít chạy nhất của dòng MAX.
Trước sự cố, FAA đã cân nhắc xem có nên cho phép MAX 7 đạt được chứng nhận trước khi Boeing hoàn thành các thay đổi thiết kế bắt buộc hay không. Theo ông Guzzetti, vụ tai nạn của mẫu MAX 9 có thể đẩy cơ quan quản lý nghiêng về phía từ chối.
Phía FAA cho biết mức độ an toàn sẽ quyết định tiến trình xử lý giấy chứng nhận hiện thời và từ chối bình luận thêm.
Mặc dù còn quá sớm để xác định nguyên nhân vụ nổ, nhưng các chuyên gia cho biết cuộc điều tra có thể khơi dậy nhiều tranh luận nếu vấn đề sản xuất là nguyên nhân cốt lõi cho sự cố của MAX 9.
Các hãng hàng không ngày càng muốn chở nhiều hành khách hơn trên máy bay một lối đi. Mục tiêu của họ là tận dụng sự cải thiện về hiệu suất và phạm vi hoạt động của loại máy bay này, đồng thời hưởng lợi từ chi phí thấp hơn.
Sau doanh số đáng thất vọng của MAX 9 - mẫu máy bay thân hẹp lớn nhất của Boeing, công ty đang đặt cược vào MAX 10 với công suất lớn hơn nhằm đuổi kịp doanh số bán mẫu A321neo của Airbus tại phân khúc bận rộn nhất của thị trường.
Các nhà phân tích cho rằng, việc triển khai toàn bộ dòng máy bay MAX đóng vai trò rất quan trọng để giúp Boeing ổn định hoặc cải thiện thị phần hiện khoảng 40% của mình, cũng như tạo ra đủ tiền mặt cho giai đoạn thập kỷ tới.
Với khoản nợ 39 tỷ USD, Boeing tỏ ra ngần ngại khi đầu tư vào các mẫu máy bay hoàn toàn mới và muốn chờ đến khi công nghệ động cơ hoàn thiện vào thập kỷ tới.
Các nhà phân tích đánh giá việc MAX 10 bị chậm thông qua có thể khiến chiến lược cho giai đoạn thập kỷ 2020 của Boeing chịu thêm áp lực.
Trung Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình của Boeing. Đây là một thị trường trọng điểm gần như đã đóng cửa đối với hãng sản xuất máy bay phản lực này trong những năm gần đây do lo ngại về an toàn của dòng MAX, cùng với những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia Michel Merluzeau của công ty tư vấn AIR Strategic Advisory cho biết dù dây chuyền sản xuất 737 của Boeing đã khá phát triển, dây chuyền này chưa bao giờ được xây dựng theo hướng có khả năng sản xuất 750 máy bay mỗi năm.
Boeing đã đưa hệ thống robot vào hoạt động sản xuất các máy bay 737. Song công ty cũng đang hướng tới những cải cách kỹ thuật số táo bạo hơn trong các chương trình tương lai như một phần của cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt với Airbus, trong khi vẫn giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng và nguồn lao động.
Ông Richard Aboulafia của công ty tư vấn AeroDynamic Advisories nhận định những sáng kiến gây áp lực buộc các nhà cung cấp Boeing phải cắt giảm chi phí, cùng sự mất kết nối giữa các quản lý cấp cao hàng đầu với bộ phận kỹ thuật và sản xuất đã gây thêm nhiều khó khăn cho Boeing.
Những trở ngại trong quá trình sản xuất máy bay 737 gần đây bao gồm phần cứng bị gắn lỏng lẻo, thậm chí bị thiếu hụt trên hệ thống bánh lái, các lỗ khoan không đúng cách và việc gắn không chính xác các giá đỡ nối thân phía sau với đuôi của máy bay.
Vào tháng 2/2023, Boeing đã buộc phải tạm dừng giao hàng 787 Dreamliner sau khi phát hiện lỗi phân tích dữ liệu. Boeing cho rằng lỗi này không liên quan đến các vấn đề trước đó khiến việc giao hàng bị dừng lại trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022./.