Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ
Chuyên gia Standard Chartered cho rằng sự phục hồi nền kinh tế dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa.
Trong báo cáo kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng Tám khi quá trình phục hồi kinh tế đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa.
Ngân hàng duy trì dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu thế giới gia tăng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế.”
[HSBC: Kinh tế Việt Nam thành công dù bức tranh bên ngoài kém sáng]
Theo Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ dự kiến tăng 60,2% so với cùng kỳ trong tháng Tám so với mức 42,6% trong tháng Bảy. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ tăng lần lượt 15,2%, 15% và 15,2% so với mức 8,9%, 3,4% và 11,2% trong tháng Bảy. Việt Nam có thể sẽ ghi nhận mức thâm hụt thương mại 1,4 tỷ USD trong tháng Tám. Hàng điện tử tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất.
Theo các chuyên gia của Standard Chartered, lạm phát tháng Tám đạt 3% so với cùng kỳ so với mức 3,2% trong tháng Bảy. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Áp lực giá cả sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Bên cạnh các yếu tố nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng đang mạnh lên.
Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro về bất ổn tài chính. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay mặc dù có những ý kiến cho rằng cần nới room tín dụng để giảm tắc nghẽn nguồn vốn vào thị trường bất động sản.
Các ngân hàng có thể phải đối mặt với rủi ro lớn hơn về thanh khoản khi tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, tới 94% dư nợ tín dụng bất động sản có thời gian vay vốn từ 10 đến 25 năm, trong khi đó 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là ngắn hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt 9,4% so với cuối năm 2021 và trong nửa đầu năm tăng 16,7% so với cùng kỳ. Dư nợ bất động sản chiếm 1/5 tổng tín dụng toàn hệ thống.
Cùng với Standard Chartered, các chuyên gia HSBC cũng đánh giá bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định. Dệt may và da giày được đánh giá là tăng trưởng mạnh, đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020, một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi. Do Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận phải trải qua giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý 3/2021, hiệu ứng cơ sở có thể sẽ kéo dài qua hết quý 3/2022.
Bên cạnh đó, cũng theo HSBC, tăng trưởng doanh thu bán lẻ ghi nhận mức cao kỷ lục hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, đà tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, doanh số các ngành liên quan đến du lịch rất đáng lưu ý, chứng kiến mức tăng trưởng hai con số bốn tháng liên tiếp.
Việt Nam đã thu hút hơn 350.000 khách du lịch quốc tế, gấp ba lần so với mức trung bình hàng tháng trong nửa đầu năm 2022, đưa tổng lượt khách đến Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại lên 1 triệu khách.
Trong số đó, khách du lịch đến từ Hàn Quốc (25%), châu Âu (13%) và Mỹ (10%) chiếm gần một nửa tổng số du khách. Tiếp theo là khách du lịch đến từ các nước ASEAN với sự quan tâm ngày càng gia tăng. Tổng cục Du lịch Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch cho năm nay.
Hiện Việt Nam đang cấp 6.000 visa mỗi ngày cho khách du lịch Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 250 trước đại dịch. Tuy nhiên, nguồn cung lao động đang thiếu hụt nên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt ở tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng./.