Sốt xuất huyết: Một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu
Cao điểm của dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11. Đáng lưu ý khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo nhận định từ Bộ Y tế, cao điểm của dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11. Đáng lưu ý khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, tính chất bệnh phức tạp, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.
Kết quả giám sát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy tại một số khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhằm cung cấp cho mỗi người hiểu rõ về bệnh sốt xuất huyết để có cách dự phòng, phòng chống bệnh hiệu quả.
Nguồn lây bệnh luôn tiềm tàng
- Hiện nay, tại Việt Nam bệnh sốt xuất huyết có phải là bệnh phổ biến không và tình hình dịch tễ hiện nay như thế nào?
Phó giáo sư Phạm Quang Thái: Đúng là bệnh sốt xuất huyết rất phổ biến, bởi 1 năm có thể tới 100.000-200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc được ghi nhận.
Tôi lưu ý đây là ghi nhận, trong nhiều trường hợp chúng ta mới chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng, thực tế trong cộng đồng còn rất nhiều trường hợp không ghi nhận. Bởi đó là những ca không có triệu chứng hay là triệu chứng rất nhẹ, thoảng qua chỉ là sốt, hoặc đau người chiếm số lượng rất nhiều. Có thể có những vụ dịch thống kê 80% người có triệu chứng nhẹ, nhưng con số thực những người bị nhiễm virus sốt xuất huyết có thể là đã cao hơn rất nhiều so với số được báo cáo.
Ở khu vực phía Nam, tính mùa tương đối rõ, có mùa khô, mùa mưa rõ ràng, nhưng về cơ bản gần như lúc nào cũng có thể gặp ca bệnh sốt xuất huyết. Trước đây thì miền Bắc không có hiện tượng này bởi trước đây miền Bắc có mùa đông lạnh và có một khoảng thời gian lặng không thấy ca bệnh sốt xuất huyết. Nhưng trong những năm gần đây chúng tôi theo dõi và thấy rằng chưa bao giờ dừng, kể cả những tháng lạnh mùa Đông cũng vẫn có ca bệnh, vẫn có trường hợp sốt xuất huyết vào viện. Như vậy, có thể thấy rằng nguồn bệnh luôn tiềm tàng, duy trì ổn định và nó chỉ cần có đủ cơ hội, có đủ điều kiện sẽ bùng phát.
Một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe
- Bác sỹ có thể phân tích vì sao mà bệnh sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu?
Phó giáo sư Phạm Quang Thái: Chúng ta có thể thấy khi Tổ chức Y tế Thế giới xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm nguy hiểm, là mối nguy cơ đe dọa toàn cầu họ đã phải căn cứ vào diện bao phủ của bệnh.
Với bệnh sốt xuất huyết, chúng ta thấy rằng có tới một nửa dân số thế giới đang sống trong vùng nguy cơ, gồm cả châu Á, châu Phi, châu Mỹ và gần đây nhất kể cả châu Âu cũng đã bị tấn công.
Tôi xin lưu ý một điểm hết sức nguy cơ đó là trước đây việc di chuyển của con muỗi gây bệnh sốt xuất huyết không ở mức độ nhiều và tốc độ di chuyển cũng như độ lây lan của nó không nhanh. Nhưng hiện nay, với việc biến đổi khí hậu cũng như di chuyển giao thương giữa các nước rất dễ dàng thì sự phân bố của loại muỗi mang virus gây bệnh sốt xuất huyết đã trở nên phổ biến hơn, cả những nước châu Âu cũng có.
Xét trên tổng thể, mỗi 1 năm chúng ta thấy trên toàn cầu có khoảng trên 100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết và có thể lên tới 200 triệu người và số liệu những trường hợp tử vong đã có những thời điểm ghi nhận trên 40.000 trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Như vậy, nếu chúng ta cộng cả số lượng mắc và số lượng tử vong thì thấy rõ ràng là quyết định của Tổ chức Y tế thế giới xếp sốt xuất huyết này vào trong một trong 10 mối nguy cơ hàng đầu trên thế giới là hoàn toàn có cơ sở và đó là lý do tại sao chúng ta phải tăng cường các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trong thời gian tới.
- Làm công tác dịch tễ, bác sĩ đánh giá như thế nào về công tác phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân hiện nay?
Phó giáo sư Phạm Quang Thái: Tôi cho rằng vẫn còn hiện tượng người dân chủ quan với công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ngay khu vực cạnh một bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có khu dân cư đã có hiện tượng bệnh nhân tử vong tại nhà. Nguyên nhân là do họ mời nhân viên y tế đến để truyền dịch tại nhà. Đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi vì người nhân viên đó có thể giúp họ truyền dịch vào cơ thể, nhưng tất cả các chỉ số về huyết động, các chỉ số sinh tồn họ không làm và nắm được mà cần phải được sự theo dõi rất chặt chẽ của bác sĩ.
Qua những con số thống kê, hằng năm có thể ghi nhận là có 3 hay 5 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết, nhưng đó là số lượng thấp hơn rất nhiều so với con số thực tế ghi nhận, bởi trong sổ theo dõi của các bệnh viện còn những trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nặng xin về.
Một điểm nữa cũng liên quan đến sốt xuất huyết, đó là triệu chứng của bệnh không điển hình, cho nên rất nhiều người là tự ý điều trị ở nhà, không nghĩ rằng đây là sốt xuất huyết. Có những người trong vùng dịch tự mua thuốc về điều trị sốt, nhưng có nhiều loại thuốc lại chống chỉ định của sốt xuất huyết. Bởi vậy, việc dùng thuốc hạ sốt như vậy, đặc biệt là tự ý dùng ở nhà là những lý do dẫn đến những trường hợp tử vong trong cộng đồng mà chúng tôi thấy rất đáng tiếc.
Các ổ dịch cũ vẫn còn có nguy cơ bùng phát
-Trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ thấy đâu là những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt?
Phó giáo sư Phạm Quang Thái: Con muỗi thường không chỉ đốt một người, nó sẽ đốt rất nhiều người và việc mà ngay cả người lành mang trùng, tức là biểu hiện không có gì rõ ràng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Tôi thấy có một điểm rất khó khống chế ở con muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, đó là ngay cả những bệnh nhân không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Bởi con muỗi đốt người mắc sốt xuất huyết sau đó mang virus Dengue tiếp tục đốt và truyền virus cho người khác, đây là điểm rất khó để khống chế dịch.
Nguy hiểm nữa đó là con muỗi đó sau đó nó còn tiếp tục mang virus này chứ không phải là nó đốt xong là hết vòng đời của nó. Con muỗi đó còn tiếp tục chuyển virus này qua các vòng đời khác và duy trì nguồn bệnh trong cộng đồng.
Đây là lý do tại sao mà khi phát hiện một ổ dịch sốt xuất huyết thì thường không phải là 1 người mắc bệnh mà sẽ nhiều người. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta thấy cơ quan y tế cần khi xử lý nhiều ổ dịch khác nhau. Chẳng hạn như tại Hà Nội trong một năm có thể đến 500- 600 ổ dịch, bởi vì trong một khu xóm hay là một cụm dân cư có từ hai ca bệnh trở lên là đã tính thành một ổ dịch.
Nếu chúng ta thấy có một vùng dịch tễ về sốt xuất huyết mà đã từng có các ổ dịch cũ thì rất dễ khả năng vùng đó lại tiếp tục để tạo ra một vụ dịch khác nữa. Vì vậy, chúng tôi khi đi giám sát vẫn phải giám sát các ổ dịch cũ bởi vì các ổ dịch cũ vẫn còn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Điểm thứ hai nữa là những biện pháp dự phòng của chúng ta đối với sốt xuất huyết cho đến nay nó vẫn không đặc hiệu, chủ yếu là để phòng muỗi đốt. Đa phần người dân có thể phòng tại nhà, thế nhưng khi họ đến địa phương khác có thể chủ quan hơn, không nghĩ rằng ở đó có nguy cơ và có thể mắc bệnh ở những vùng khác. Khi chúng ta đánh giá về dịch sốt xuất huyết rất khó để khống chế là như vậy.
- Theo bác sĩ, trong thời gian sắp tới, đâu là phương pháp hiệu quả để kiểm soát và phòng ngừa bệnh sốt huyết tại Việt Nam?
Phó giáo sư Phạm Quang Thái: Về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, gần như năm nào chúng ta cũng đẩy mạnh tuyên truyền diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng là cách phòng bệnh tốt nhất.
Với bệnh sốt xuất huyết, chúng ta có rất nhiều cấp độ dự phòng từ cấp 0,1,2,3,4. Ở cấp 0 - tức là không có dịch xảy ra thì khó quá, bởi vì dịch lúc nào cũng đang xảy ra. Ngay tại Hà Nội bây giờ cũng vẫn đang có ca bệnh, vẫn đang còn những vấn đề lây truyền thì chúng ta rất khó nói vấn đề cấp 0. Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân được phát hiện sớm, được điều trị sớm, hạn chế việc lây ra cộng đồng và hiệu quả nhất là cần sớm có vaccine. Lúc đó, chúng ta có thể có một biện pháp chủ động và hữu hiệu, mang tính chất là vô cùng đặc hiệu để có thể đảm bảo bệnh nhân có mắc bệnh cũng chỉ ở mức độ nhẹ, giảm tải cho hệ thống y tế.
Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!