Sống lại những thời khắc hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc

Sự kiện giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã tái hiện bối cảnh năm 1954-1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 9/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” tại Bảo tàng Hà Nội.

Chương trình mang đến cho công chúng những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Bà Đặng Thị Ty (sinh năm 1947) – nguyên Trung đội trưởng nữ dân quân Trung đội dân quân đập Đáy vô cùng xúc động khi chia sẻ về những năm tháng hòa mình trong phong trào “Ba đảm đang” của địa phương.

Tháng 2/1965, cô gái trẻ Đặng Thị Ty cùng 11 chị em phụ nữ ở độ tuổi 18-19 được phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy – hay còn gọi là đập Phùng, công trình phân lũ sông Đáy nhằm điều tiết nước cho Hà Nội mỗi khi lũ dâng cao với 4 khẩu súng 12 ly 7.

“Hồi mới tập bắn súng, chúng tôi cảm thấy rất khó. Nhưng lúc bấy giờ thanh niên, đàn ông đều ra chiến trường hết, ở nhà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Do đó, chúng tôi động viên nhau quyết tâm tập luyện, bảo vệ vững chắc trận địa đập Phùng. Bởi đây là công trình phân lũ rất quan trọng bảo vệ cho Hà Nội,” bà Ty kể.

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại buổi giao lưu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Hay với bà Nguyễn Thị Sang - nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt Việt Nam, dù không phải là người con quê hương Hà Nội nhưng Thủ đô luôn trong tim bà. Tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải, năm 1968 bà được giao phụ trách những đoàn tàu chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị.

Cầm chiếc đèn tín hiệu của trưởng tàu trên tay, tái hiện lại những động tác báo động hướng dẫn tàu, bà Nguyễn Thị Sang cho biết, lúc bấy giờ Mỹ đánh phá ác liệt, đặc biệt là các cứ điểm cầu Hàm Rồng, ga Vinh… Do đó, toàn bộ chị em trên Tổ tàu “Ba đảm đang” luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát, khi phát hiện máy bay địch thì phải báo động để tàu dừng đỗ, đi sơ tán kịp thời.

“Tôi nhớ nhất là những đoàn tàu quân đội chở sinh viên các trường đại học ở Hà Nội như Trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Tổng hợp, Đại học Kinh tế quốc dân… gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Trên tàu lúc nào cũng hát vang bài ca cách mạng rất vui và hào hùng,” bà Sang nhớ lại.

Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử cũng chia sẻ những câu chuyện xúc động và hào hùng về Hà Nội trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” hay thời khắc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết đây không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử đáng nhớ mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng.

“Thủ đô Hà Nội mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần ‘tất cả vì miền Nam ruột thịt’, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sỹ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng,” bà Bạch Liên Hương nói.

Nhân dịp này, Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý giá, phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975, cũng như tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc./.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cuốn nhật ký chiến trường của ông Nguyễn Xuân Thuần trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bộ quần áo của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thuần từng mặc khi tham gia chiến đấu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo bên chiếc còi báo động thời chiến. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Triển lãm mang đến cho công chúng góc nhìn về tinh thần Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)