“Sóng gió” đã qua đi trên các sàn chứng khoán thế giới
Khép phiên 6/8, chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 5.240,03 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 1% lên 16.366,85 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 38.997,66 điểm.
Thị trường chứng khoán Phố Wall phục hồi trong phiên 6/8 sau một phiên chao đảo trước đó mà theo các nhà phân tích là do hoạt động săn hàng giá rẻ, song họ vẫn cảnh báo thị trường có thể sẽ gặp nhiều biến động hơn.
Các chỉ số chính của Mỹ đã giao dịch phần lớn trong vùng dương sau khi lao dốc phiên 5/8. Khép phiên 6/8, chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 5.240,03 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 1% lên 16.366,85 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 38.997,66 điểm.
Thị trường Tokyo, nơi chứng kiến mức giảm kỷ lục trong ngày 5/8, dẫn đầu đà tăng ở thị trường châu Á, đóng cửa tăng hơn 10%, xóa dần sụt giảm từ đầu tuần đầy khó khăn khi các nhà giao dịch mua vào các cổ phiếu bị bán tháo.
Tuy vậy, sự phục hồi của thị trường chứng khoán không được chú ý nhiều ở châu Âu, nơi các thị trường chính đóng cửa với mức biến động nhẹ.
Trong đó chỉ số FTSE 100 của London đóng cửa tăng 0,2% lên 8.026,69 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng chưa đến 0,1% lên 17.354,32 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,3% xuống 7.130,04 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 nhích nhẹ 0,1% lên 4.575,22 điểm.
Đợt bán tháo xảy ra trong phiên 5/8 diễn ra sau dữ liệu ngày 2/8 cho thấy số việc làm được tạo ra ở Mỹ ít hơn dự kiến trong tháng 7/2024, trong khi một báo cáo khác chỉ ra sự yếu kém liên tục trong lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, đồng yen tăng giá cũng đã tác động mạnh đến thị trường trong phiên 5/8 do nó cản trở chiến lược giao dịch thông thường là vay tiền với lãi suất thấp ở Nhật Bản và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao ở những nơi khác, chẳng hạn như cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất trong tuần trước và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị cắt giảm lãi suất, hoạt động được gọi là giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) này đang gặp rủi ro và nhiều nhà đầu tư cần phải bán tháo tài sản để trang trải các danh mục đầu tư của họ, làm trầm trọng thêm hoạt động bán tháo trên thị trường.
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán ngày 5/8 đã châm ngòi cho suy đoán rằng Fed có thể thực hiện việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp để tránh một cuộc suy thoái.
Thị trường đã trở nên bình tĩnh hơn trong phiên 6/8 khi đà tăng của đồng yen chậm lại.
Tại thị trường trong nước kết thúc phiên 6/8, VN-Index tăng 22,21 điểm (1,87%) lên 1.210,28 điểm, HNX-Index tăng 3,75 điểm (1,68%)lên 226,46 điểm./.